CTTĐT - Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam do ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam làm trưởng đoàn về việc phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã báo cáo kết quả phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, cây Mắc ca có tên quốc tế là Macadamia, là cây có lá thường xanh, thân gỗ, khi trưởng thành có chiều cao trên 15m, có quả hạch với hạt vỏ cứng, ăn có vị thơm, bùi, béo, ngậy, hấp dẫn, có thời gian khai thác kinh tế từ 40 - 60 năm. Đây là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới. Quả Mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, là nguyên liệu đa dạng trong các ngành chế biến bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm cao cấp; là thức ăn phù hợp cho các đối tượng từ người già cho tới trẻ em, tốt cho người ăn kiêng, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…
Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Cây Mắc ca được đưa vào Việt Nam từ những năm 1990. Sau một thời gian khảo nghiệm đã chứng minh cây Mắc ca có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế ở những nơi có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp. Đến nay, cả nước có 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống Mắc ca, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Cả nước có 23 tỉnh đã trồng cây Mắc ca với diện tích khoảng 16.400 ha; dự ước sản lượng thu hoạch cả nước năm 2020 đạt khoảng 5.300 tấn hạt tươi. Thời điểm trồng chủ yếu từ năm 2016 – 2020. Diện tích trồng có xu hướng tăng theo các năm do cây dễ trồng, có thị trường tiêu thụ rộng và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 80 ha cây Mắc Ca, trồng rải rác tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên và Lục Yên. Tuy nhiên, những diện tích này chủ yếu là trồng tự phát trong dân. Để mở rộng diện tích trồng cây Mắc Ca, qua khảo sát, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá Yên Bái là tỉnh có nhiều tiềm năng và khí hậu thích hợp để trồng cây Mắc ca, diện tích có thể trồng Mắc ca trên 1.400 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải. Hiện Hiệp hội đang nghiên cứu và đề xuất triển khai việc trồng xen cây Mắc Ca với cây chè tại tỉnh Yên Bái, trong đó dự kiến trồng thử nghiệm 5 ha cây Mắc ca xen với cây chè tại huyện Văn Chấn.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm trồng cây Mắc ca trên địa bàn cả nước; thảo luận những điều kiện để có thể phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh, đánh giá cao Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao, có thể trồng đa dạng mô hình và cần sự quan tâm, nghiên cứu để phát triển cây mắc ca trên địa bàn cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, trong đó có tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, việc trồng loại cây này cũng có những đòi hỏi khắt khe về khí hậu, đất đai, giải pháp kỹ thuật (lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch). Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi nhiều nhân công khi thu hoạch sản phẩm… Do vậy, để có thể phát triển cây Mắc ca một cách bền vững, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất việc nghiên cứu trồng thử nghiệm, tiến tới phát triển nhân rộng các mô hình trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Lộ trình thử nghiệm từ 3-5 năm, quy mô từ 10-15ha. Việc phát triển cây Mắc ca phải gắn với chuỗi giá trị, theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cần nghiên cứu các mô hình hiệu quả ở các địa phương lân cận để áp dụng cho Yên Bái. Nghiên cứu, phát triển cả mô hình trồng thuần và trồng xen, có thể lựa chọn các loại giống khác nhau với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng khác nhau. Việc phát triển thử nghiệm ưu tiên phát triển tại khu vực phía Tây và vùng cao của huyện Lục Yên. Cần lựa chọn áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất, đã được minh chứng, áp dụng hiệu quả tại các mô hình thử nghiệm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển thử nghiệm cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh. Đồng chí mong muốn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ đồng hành cùng tỉnh Yên Bái trong quá trình phát triển kỹ thuật; hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật từ cây giống, chăm sóc, thu hái đến tiêu thụ sản phẩm.
854 lượt xem
Thu Nga