Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin tức >> Kinh tế

Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA

18/08/2020 15:11:52 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình; lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU.

Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Tại điểm cầu Yên Bái, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, đem lại cơ hội cho cả 2 phía Việt Nam và EU, đáp ứng mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Những cam kết trong Hiệp định cũng dự kiến mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, với mức tăng gần 45% năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định, dự kiến mang đến gần 150.000 việc làm mới mỗi năm. Thủ tướng khẳng định, EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp không kiên trì, sáng tạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về EVFTA và các FTA khác để doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước hiểu cặn kẽ, có định hướng tận dụng tốt hơn; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp để tất cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng vào cuộc, hoàn thành tốt cam kết này. Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA đi vào đời sống, hàng hóa nội địa sẽ cần cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm từ EU. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, kết nối Việt Nam với một thị trường hơn 450 triệu dân và có tiềm năng hàng đầu thế giới; được kỳ vọng tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế theo hướng tích cực, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, cơ quan điều phối việc thực thi Hiệp định EVFTA, đã trình bày tổng quan về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ và những vấn đề các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý để bảo đảm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong đó có 5 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.

Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Đối với Yên Bái, tỉnh cũng đã có dự thảo về kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên địa bàn tỉnh. Dự thảo xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi, lộ trình thực hiện, nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó từ nay đến năm 2025 sẽ chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 trong năm 2020 sẽ triển khai một số nội dung như: rà soát văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản triển khai để thực hiện, quán triệt về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện Hiệp định; giai đoạn 2 từ năm 2021-2025 sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước mắt, tổ chức phổ biến, thông tin tuyên truyền một cách bài bản trong đó tập trung và các nội dung mang tính chuyên sâu và các thông tin thị trường; thiết lập đầu mối. Theo đó, một số ngành hàng của tỉnh Yên Bái có tiềm năng phát triển xuất khẩu, trong đó có hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả; các ngành hàng liên quan đến chế biến khoáng sản, hạt nhựa phụ gia, nhóm nông sản chế biến. Căn cứ vào các nội dung của Hiệp định, những ngành hàng này đề có những cơ hội lẫn thách thức, do vậy công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị triển khai thực thi Hiệp định tại Yên Bái hết sức cần thiết.

Hội nghị cũng nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đại diện các địa phương: Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội… trình bày tham luận về việc chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Hội nghị cũng nghe đại diện Hiệp hội doanh nghiệp phát biểu ý kiến và kiến nghị những vấn đề có liên quan, tác động trực tiếp đến tính hiệu quả của việc triển khai hiệp định, cũng như tận dụng những cơ hội để doanh nghiệp có thể tăng tốc trên “con đường” EVFTA này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA một cách hiệu quả, đồng thời cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất. Bộ Công Thương phải là cơ quan đầu mối, là nhạc trưởng điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai hiệu quả các cam kết.

Tiếp tục cải cách thể chế tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như phát triển quan hệ bền vững Việt Nam - EU, nhất là thực thi tốt hiệp định EVFTA. Đi liền với đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, không chỉ phổ biến các thông tin chung chung, mà phải nâng cao nhận thức về các thách thức, cơ hội của EVFTA, đặc biệt là các hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng, hiệp hội DN, ngành hàng, thông qua các hình thức trực tuyến để tiếp cận được nhiều doanh nghiệp hơn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó cần đặc biệt chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước trong hội nhập quốc tế.

674 lượt xem
Hiền Trang