Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp >> Kinh tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị của cử tri Yên Bái về chính sách hỗ trợ người dân trong việc xây dựng nhãn hiệu, quảng bá và đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa nông sản

23/03/2021 09:06:50 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân trong việc xây dựng nhãn hiệu, quảng bá và đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa nông sản, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản mang tính vùng miền. Tiếp tục ưu đãi vay vốn ngân hàng trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nông - lâm – ngư nghiệp...

Bưởi Đại Minh là một trong các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Yên Bái.

Về kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại Văn bản số 9202/BNN-CBTTNS ngày 29/12/2020 như sau:

Trong những năm qua, nhằm hỗ trợ người dân trong việc xây dựng nhãn hiệu, quảng bá và đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hoá nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể như sau:

1. Tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại và định hướng phát triển theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, được xây dựng và phát triển cùng với xây dụng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”. Đến nay, cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm chủ lực, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

2. Tiếp tục chỉ đạo triển khai mạnh mẽ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân; Hiện nay, toàn quốc đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng được 1.514 chuỗi (tăng 418 chuỗi so với năm 2018), 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm so với năm 2018) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng 93 địa điểm so với năm 2018).

Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng từng lĩnh vực nông nghiệp, như: Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 về Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trong đó áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1 % - 2% so với mặt bằng lãi suất chung; Nghị định số 55/2015/NĐ- CP ngày 09/6/2015 với nhiều cơ chế đặc thù về tài sản thế chấp, lãi suất cho vay, xử lý nợ...; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, (i) các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70% - 80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; (ii) Trường hợp các doanh nghiệp đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét khoanh nợ, xóa nợ...

3. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tháo rỡ các rào cản “thương mại và đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu; tiếp tục đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá tôm, cá tra với Hoa Kỳ; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Brazil, Trung Quốc, Brazil, Ả Rập Xê út, Úc,...; Đồng thời, quan tâm thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nội địa, khuyến khích tiêu dùng nội địa thông qua việc giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối lớn có uy tín như VINGROUP, T&T, AEON, CENTRAL RETAIL (BIG C)... hướng dẫn các điều kiện đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm thịt, trứng, rau quả… cho bà con nông dân nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương triển khai các chương trình thương hiệu cấp Quốc gia; Chủ trì triển khai các chương trình xây dụng Chương trình Thương hiệu Quốc gia gạo Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015; Chỉ đạo các đơn vị của Bộ triển khai Quy chế số 2222/QCPH-BKHCN-BNNPTNT-BCT ngày 08/8/2018 giữa ba Bộ về phối hợp xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý; Phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động nâng cao, bảo vệ hình ảnh, thương hiệu sản phẩrn nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó có có thị trương lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

703 lượt xem
Ban Biên tập