Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Khát vọng vươn lên của những người phụ nữ

14/10/2021 13:56:53 Xem cỡ chữ Google
Khát khao, tự tin và nỗ lực - họ dù là đã, đang hay vẫn còn đi qua nhiều thử thách nữa để chạm đến thành công, mơ ước nhưng đều đã là người viết lên câu chuyện của những người phụ nữ và khát vọng vươn lên, những nữ doanh nhân và gần như thế.

Chị Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty TNHH Ngói màu Nasaki Việt Nam (thứ ba, trái sang) chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với các nữ doanh nhân.

Khát khao của doanh nhân trẻ

Ở lại lập thân nơi đô thành thì có thể chẳng là gì cả. Trở về lập nghiệp trên quê hương, biết đâu có thể là một chút vị ngọt của hồ Thác Bà, một hạt lúa vàng trên những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải...

Khát khao trở thành một điều gì đó được nuôi dưỡng bởi tình yêu quê hương nên cô sinh viên ấy quyết định trở về quê nhà Yên Bái sau ngày tốt nghiệp đại học gần 20 năm trước. Và nay, cô gái tên Nguyễn Thị Khuyên năm xưa đã thành công trên cương vị là nữ Giám đốc trẻ tuổi của Công ty TNHH Ngói màu Nasaki Việt Nam (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình).

Về quê nhà, làm việc tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái - đơn vị sản xuất bột đá hàng đầu của Việt Nam; tuổi thơ lại quen thuộc lắm nơi chân núi đá Mông Sơn (Yên Bình), để rồi cô gái trẻ Nguyễn Thị Khuyên đã tìm ra câu trả lời cho niềm đau đáu về một sản phẩm thế mạnh nào đó của quê hương để khởi nghiệp. Với sản phẩm bột đá canxi cacbonat siêu mịn, Khuyên khởi sự kinh doanh năm 2014 với số vốn rất nhỏ.

"Nửa năm đầu, tôi không có được bất kỳ khách hàng nào nhưng tôi tin vào bản thân mình. Chỉ là tôi đang đặt những bước chân đầu tiên từ chân núi leo lên đỉnh núi và tôi nhất định lên được đến đỉnh núi. Muốn những thành công chưa từng có thì phải tự tin làm những việc chưa từng làm” - tư duy không lùi bước luôn hiện hữu trong cô. Tự tin để kiên trì, phương châm "khách hàng là ân nhân” và sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Khuyên dần thiết lập, xây dựng được mạng lưới khách hàng từ Bắc vào Nam. 

Tiên phong đổi mới - nghĩ khác, làm khác là điều luôn thôi thúc cô. Thấy rõ ở Yên Bái, nguồn cung ứng xi măng dồi dào, các mỏ cát cũng rất sẵn có, nghĩa là nguồn nguyên liệu đầu vào rất ổn, cộng với nắm bắt những chính sách của Nhà nước, năm 2018, Khuyên quyết định tiếp tục thành lập thêm doanh nghiệp sản xuất ngói màu thông minh theo công nghệ xanh tiên tiến của Nhật Bản. Cô không ngại khó, ngại khổ để tiếp cận công nghệ hoàn thiện sản phẩm. 

"Giờ đây, chúng tôi không chỉ mang tới cho khách hàng một vật liệu che mưa che nắng mà còn tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho các ngôi nhà, hơn nữa góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Chúng tôi coi đó như là sứ mệnh của mình” - nữ Giám đốc trẻ tâm đắc. 

Thành công hôm nay từng đi qua khó khăn chồng chất. Nhưng khó khăn bị đánh bại ở ý chí, giúp nữ doanh nhân trẻ khẳng định được sản phẩm trên thương trường, khẳng định được bản thân trong xã hội với danh hiệu doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc và là chủ nhân của 1 trong 2 đề án xuất sắc nhất tại vòng Chung kết quốc gia "Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018”. Suốt quá trình vươn lên ấy, nữ doanh nhân trẻ luôn tâm niệm hai chữ "tâm sáng” để hoàn thiện sản phẩm, để giữ chữ tín với khách hàng, để chăm lo người lao động và cho đi với cộng đồng.

Khát khao tuổi trẻ và triết lý 3T "Tự tin - Tiên phong - Tâm sáng” - bí quyết thành công của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên là vậy.

Nỗ lực của nữ giám đốc

Hơn 20 năm trước, nữ Giám đốc của Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Minh Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên hôm nay - chị Nguyễn Thị Mến bắt đầu cuộc sống gia đình với 1.000 m2 đất mầu soi bãi. Trồng theo thời vụ, manh mún nên dù chăm chỉ, chịu khó, cuộc sống vẫn thiếu thốn. Không cam chịu, chị Mến vay 50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, mua đất, dồn điền đổi thửa, quy hoạch 0,5 ha đất mầu soi bãi chuyên sản xuất rau màu, cho thu nhập 20 - 25 triệu đồng mỗi năm. 

Năm 2018, nắm bắt được huyện xây dựng Đề án "Phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”, lại hiểu rõ lợi thế Y Can là xã phát triển vùng trồng rau lớn của huyện; cộng thêm những ấp ủ về sản xuất rau an toàn nên chị Mến bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, chị Mến vận động 13 hộ gia đình cùng nhau thuê đất, góp sức sản xuất rau quy mô. 

Với sự đầu tư của dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Sở khoa học và Công nghệ Hà Nội, gia đình chị Mến đã đầu tư hơn 150 triệu đồng xây dựng 2.200m2 nhà lưới sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tháng 7/2019, HTX rau an toàn Minh Tiến chính thức đi vào hoạt động. Chị Mến với vai trò là Giám đốc HTX cùng các thành viên liên kết sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn, kết hợp với việc cung ứng về dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây giống với diện tích gần 10 ha đất nông nghiệp sản xuất luân phiên, mỗi năm đảm bảo cung cấp cho thị trường ở thành phố Yên Bái 240 tấn rau. Tháng 12/2020, các sản phẩm rau của HTX đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Không ngừng nỗ lực, chị Mến mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

"Để thực hiện điều này, bản thân tôi phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như vốn, thị trường, quản lý nhân sự… May mắn, quá trình sản xuất, kinh doanh, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành chuyên môn, cộng với sự cố gắng của cả gia đình, đến nay, gia đình tôi cũng có thu nhập 600 - 700 triệu đồng/năm từ sản xuất rau” - nữ Giám đốc Nguyễn Thị Mến chia sẻ. Nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng.

Chị Nguyễn Thị Mến - Giám đốc Hợp tác xã rau màu an toàn Minh Tiến (phải) tâm huyết với sản xuất rau VietGAP. 

Ý tưởng bình dị của một phụ nữ Mông

Năm 2009, Tổ hợp tác (THT) Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do Hội LHPN tỉnh và huyện Mù Cang Chải thành lập, Công ty CRAFT LINK Hà Nội hỗ trợ. 

Chị Lý Thị Ninh - người phụ nữ Mông ở bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha được tín nhiệm làm Tổ trưởng. Công việc thêu dệt vẫn gắn bó với chị như bao người phụ nữ Mông khác nhưng với vai trò Tổ trưởng THT, chị không khỏi băn khoăn, trăn trở làm sao để duy trì và phát huy nghề truyền thống, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho chị em. Chị Ninh xin được đi học tập kinh nghiệm mô hình ở các địa phương khác, tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do hội phụ nữ tổ chức và tự mình học hỏi từ các cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội.

Dần dà, chị Ninh và thành viên tìm tòi, sáng tạo làm ra nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, phong phú và tự tin tìm cách tiếp cận nhiều thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Từ 27 thành viên ban đầu, đến nay THT Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông đã có 45 thành viên, doanh thu năm 2015 đạt 200 triệu đồng thì đến 2019 đạt trên 600 triệu đồng. Chị em trong THT có thu nhập trung bình 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng. 

Năm 2020, chị Ninh mạnh dạn, tự tin đưa sản phẩm của THT tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị là 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được trao giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững”. 

"Thành viên THT đa phần là phụ nữ nghèo, không biết tiếng phổ thông. THT không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập mà còn từng bước vượt qua tư tưởng tự ti, an phận của người phụ nữ vùng cao nơi đây. Bản thân tôi cũng vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình này nhưng đến giờ tôi tự tin, tự hào với bản sắc truyền thống để nỗ lực đưa sản phẩm ngày một vươn xa” - chị Lý Thị Ninh vững tin vào con đường này.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh động viên chị em Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha.

Theo những cách khác nhau nhưng chung niềm khát vọng, những người phụ nữ ấy đã luôn năng động vươn lên đầy mạnh mẽ, vững vàng.    

 

(Theo Báo Yên Bái)

395 lượt xem