Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin tức >> Kinh tế

Sở Công Thương Yên Bái: Tổng kết chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại giai đoạn 2016 - 2020

29/12/2020 14:13:28 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 26/12, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết chương trình khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2016 - 2020, triển khai nhiệm vụ 2021 - 2025. Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, một số huyện, thị xã, thành phố và hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 5 qua, chương trình khuyến công đã triển khai được 126 đề án để hỗ trợ cho 132 cơ sở với kinh phí trên 208 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 24 tỷ đồng, nguồn vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên 184 tỷ đồng. Từ các nguồn kinh phí này, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến chè, quế, tinh dầu quế, gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng...việc hỗ trợ công tác khuyến công cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp tại địa phương, thu hút được thêm các nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại khoảng 16,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí xúc tiến thương mại Quốc gia đạt 4,36 tỷ đồng; kinh phí xúc tiến thương mại địa phương đạt 12,54 tỷ đồng. Trong đó tập trung tăng cường, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả trong xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại; tổ chức và tham gia các hội chợ... Qua đó đã nâng cao giá trị xuất khẩu trực tiếp và tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2020 do dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến để kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối nước ngoài (Lotte, Walmart, Big C, Aone).

 

Các đại biểu tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành Công Thương đề xuất xây dựng khoảng 10-15 mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ; ứng dụng khoảng 150 máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý gây ô nhiễm môi trường cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn; tổ chức ít nhất 2 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia khoảng 20 hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho khoảng 5 cụm công nghiệp; đào tạo nghề cho khoảng 500 lao động theo nhu cầu…

Tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội nghị, hội thảo về phát triển thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ tối thiểu 5 tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong tỉnh triển khai xây dựng thương hiệu; tổ chức từ 3-4 lớp/năm đào tạo, tập huấn và tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ngành Công Thương đã hết sức nỗ lực, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, các sở ngành, doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

 

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế khi triển khai thực hiện các chương trình trong giai đoạn vừa qua đó là: một số hoạt động chưa trọng điểm, chưa lồng ghép tốt với các chương trình mục tiêu quốc gia, chất lượng khuyến công, xúc tiến thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp, thiếu sự quan tâm của một số sở, ngành, địa phương trong công tác này.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nhìn nhận tồn tại của giai đoạn vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Công Thương, các sở, ngành liên quan, các địa phương tích cực, chủ động nắm bắt, nghiên cứu để tham mưu với UBND tỉnh, Bộ Công Thương ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp lý nhằm đảm bảo việc triển khai thuận lợi, góp phần cách cách thủ tục hành chính; thay đổi tư duy trong công tác triển khai các chương trình khuyến công và chương trình xúc tiến thương mại; tập trung vào lựa chọn triển khai có trọng tâm, trọng điểm đối với các ngành nghề cần hỗ trợ, khuyến khích phát triển, quan tâm đến các ngành, sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Tiếp cận các công nghệ mới, áp dụng công nghệ trong xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự giúp đỡ của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương để kết nối với các đối tác trong và ngoài nước qua đó nâng tầm sản phẩm địa phương.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc đề nghị tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố để giúp doanh nghiệp, HTX trong công tác khuyến công và xúc tiến thương mại.

Đối với các doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược kinh doanh theo tư duy mới, phù hợp với xu thế phát triển mới; tiếp cận xu thế quảng cáo mới; sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế, trong đó hết sức quan tâm đến thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

719 lượt xem
Hiền Trang