Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin tức >> Kinh tế

Doanh nghiệp Trấn Yên: Không để dịch làm đứt gãy chuỗi sản xuất

27/05/2021 15:41:45 Xem cỡ chữ Google
Công ty bố trí so le giờ nghỉ giữa các phân xưởng sản xuất; thay đổi giờ ăn ca và thực hiện giãn cách giữa các vị trí làm việc của người thợ trong các dây chuyền sản xuất và cả tại bếp ăn tập thể...

Công nhân Công ty may KNF đảm bảo giãn cách trong dây chuyền sản xuất.

Những ngày này, hơn 800 công nhân Công ty may KNF, thị trấn Cổ Phúc trước khi bước vào nhà xưởng đều thực hiện rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo tình trạng sức khỏe. Các dây chuyền may, công nhân được bố trí làm đảm bảo vị trí giãn cách. Suốt quá trình làm việc, công nhân duy trì đeo khẩu trang, sau khi nghỉ giải lao, đi vệ sinh… phải tuân thủ việc giữ khoảng cách và rửa tay sát khuẩn.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên ý thức, trách nhiệm phòng dịch của cán bộ, công nhân được nâng cao. Công ty áp dụng nhiều giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời những trường hợp ho, sốt, đặc biệt là tiếp xúc gần với F1, F2 để hướng dẫn đến các cơ sở y tế hoặc tuân thủ cách ly.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Trấn Yên đã và đang tăng cường các biện pháp phòng dịch để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi qua điện thoại, đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Sáng 26/5/2021, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 522 "Về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19”. Theo đó, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế, của tỉnh và của huyện; chỉ đạo và đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch Covid-19; chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống tại đơn vị mình.

Kiên quyết dừng hoạt động đối với những đơn vị không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp triển khai việc khai báo y tế bắt buộc, đồng thời cập nhật thường xuyên đối với tất cả người lao động và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, thiết bị, hàng hóa, suất ăn…). Xử phạt nghiêm những trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực…

Đứng chân trên địa bàn xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí 83 sử dụng gần 700 lao động. Xác định rõ nhiệm vụ ‘chống dịch như chống giặc”, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công ty đã quyết định tăng cường hơn nữa công tác này bằng các biện pháp mạnh mẽ và cương quyết.

Thượng tá Đặng Anh Tú – Trưởng phòng Hành chính – Hậu cần, Công ty Cơ khí 83 cho biết: "Công ty đã thay đổi lịch tan ca. Theo đó, bố trí so le giờ nghỉ giữa các phân xưởng sản xuất; thay đổi giờ ăn ca và thực hiện giãn cách giữa các vị trí làm việc của người thợ trong các dây chuyền sản xuất và cả tại bếp ăn tập thể; thực hiện việc khai báo, khử khuẩn cho 100% người lao động và khách đến giao dịch trước khi vào khu vực nhà máy".

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Công ty cũng đã thành lập Tổ giúp việc gồm trưởng phòng ban, quản đốc các phân xưởng là thành viên; có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh ở đơn vị. Đồng thời Công ty cũng đã thành lập Tổ kiểm soát quân sự không chuyên, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, lập biên bản những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, chuyển danh sách và hồ sơ sang UBND xã tiến hành xử phạt hành chính theo quy định.

Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền như tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp sản xuất, in ấn phát hành tài liệu, pano…, Công ty còn thông qua hệ thống loa truyền thanh, mỗi ngày duy trì từ 3 đến 5 buổi phát thanh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống, cập nhật tình hình dịch bệnh.

Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cũng như huyện Trấn Yên đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; trong đó, có những tác động trực tiếp từ bệnh dịch làm giá cả nguyên liệu tăng, năng suất giảm, vướng mắc trong khâu tiêu thụ…Tuy nhiên, quyết tâm phòng chống dịch bệnh song song với duy trì sản xuất đã được cả người sử dụng lao động và người lao động thể hiện.

Nói như bà Dương Thị Mùi - Giám đốc Công ty TNHH Doanh Mùi thì ngành gỗ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đang chịu quá nhiều tổn thất vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giờ đang cố sức gượng dậy, nay xảy ra dịch bệnh, đứt gãy sản xuất là đối mặt với rủi ro lớn, vì thế phòng dịch phải luôn luôn đặt lên hàng đầu với yêu cầu tất cả mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động phòng tránh.

444 lượt xem
1