Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin tức >> Kinh tế

Yên Bái: Khai thác tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư

01/12/2017 07:38:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Yên Bái là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh miền núi phía Bắc, là tỉnh có điều kiện giao thông thuận lợi về đường bộ, đường thủy, đường sắt, nằm trên trục đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tiếp giáp với Trung Quốc. Với các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, nông lâm sản, thủy điện, có tiềm năng về sản xuất hàng hóa, kinh doanh phát triển nghề rừng và du lịch, dịch vụ cho các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Cơ sở chế biến bột đá ở Khu công nghiệp phía Nam

Yên Bái có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 17%, đất lâm nghiệp có rừng chiếm trên 67% tổng diện tích của tỉnh. Qua nhiều năm phát triển đã hình thành được một số vùng nguyên liệu nông lâm sản. Diện tích rừng sản xuất trên 290.000ha, vùng sắn 14.844, chè 9.600ha, quế trên 63.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ cho công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu nông lâm sản. Yên Bái cũng hình thành các vùng trồng cây đặc sản như Bưởi Đại Minh, thóc nếp Tú Lệ, Chè cổ thụ Suối Giàng… Tiềm năng khoáng sản của Yên Bái khá phong phú và có khả năng khai thác chế biến công nghiệp như Quặng sắt, Cao lanh, Graphit nhất là đá vôi trắng có trữ lượng lớn hàng tỷ mét khối.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh cho phát triển kinh tế xã hội. Đã thực hiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành và quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung đầu tư hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thu hút đầu tư phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực với các dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư vào Yên Bái, điển hình như các dự án của Tập đoàn Hoa Sen, Vingroup; của các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực may mặc, sản xuất linh kiện điện tử với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng; Ấn Độ đầu tư trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng; Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến công nghệ cao với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng…

Để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh phát triển góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, tháo gỡ khó khăn để đồng hành cùng các doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn lực về vốn, đổi mới và phát triển công nghệ. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong khu vực xây dựng được hệ thống phân phối, trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường; từng bước tìm kiếm giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và những sản phẩm chế biến công nghiệp có lợi thế của tỉnh kết nối với những nhà phân phối, tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm hoàng hóa của địa phương.

Đối với bản thân các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và bảo vệ môi trường, đi đôi với việc chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; chủ động xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu và các nhà phân phối, tiêu thụ. Đặc biệt có chính sách động viên, giữ đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề của đơn vị.

732 lượt xem
Lan Hương