Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin tức >> Kinh tế

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Công Thương: Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với nền kinh tế

29/03/2022 14:10:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiều 28/3, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đã có buổi làm việc với Sở Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, định hướng lớn trong thời gian tới. Dự và chủ trì buổi làm việc có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành đảm bảo kế hoạch theo kịch bản tăng trưởng đề ra và tăng so với năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2021 tăng 9,12% so với năm 2020, xếp thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 14.210 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có quy mô sản xuất lớn, chất lượng tốt, tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Sở đã tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế quản lý cụm công nghiệp, nghiên cứu xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Tính đến tháng 3/2022, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.176 ha. Năm 2022 đang triển khai các thủ tục bổ sung quy hoạch và thành lập 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 336,82ha.

Bên cạnh đó, Sở đã chủ trì, tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; tham mưu ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm tổ chức và triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu năm 2021 tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Quý I/2022 đạt 62,56 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ, bằng 22,3% kế hoạch năm.

Công tác quản lý nhà nước về thương mại từng bước được nâng cao, thị trường hàng hóa thiết yếu đảm bảo đáp ứng cung, cầu trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển; bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, đại biểu các sở ngành đã bổ sung, làm rõ những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc trong lĩnh vực Công Thương, trong đó tập trung vào các vấn đề về: quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch điện sinh khối; chú trọng xây dựng các làng nghề tiêu biểu; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm; nâng cấp và phát huy hiệu quả cao nhất các sàn giao dịch điện tử; phối hợp tốt với các ngành liên quan tham mưu đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các ngành liên quan xem xét tính hiệu quả của các dự án điện; đẩy nhanh tiến độ cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia; tham mưu cho tỉnh các giải pháp xúc tiến thương mại thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Công Thương...

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Công Thương đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Công Thương thời gian qua đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này như: Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa trở thành lĩnh vực đột phá, động lực quan trọng cho tăng trưởng; tốc độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chậm, chưa thực sự rõ nét; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chợ nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công chưa có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả chưa cao, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn rất thấp…

Cần phải xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với nền kinh tế

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới ngành Công Thương cần phải xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế, vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, vừa tác động sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sông xã hội, từ đó cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành với tinh thần đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong toàn ngành nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến vì sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Yên Bái.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thời gian tới ngành Công Thương cần phải xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế; tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành với tinh thần đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách đã ban hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ tham mưu của ngành, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021-2025, trong đó phải cụ thể hóa thành chương trình kịch bản để triển khai thực hiện.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022. Trong đó, cần bám sát phương châm hành động của năm là:“Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, tăng tốc, hiệu quả” để nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao với kết quả cao nhất.

Tiếp tục đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc được chấp thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư.

Tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động trong tỉnh. Trong đó phối phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng Đề án phát triển các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo từng lĩnh vực và nhóm sản phẩm có lợi thế của tỉnh; phát triển ngành thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh hạ tầng thương mại, dịch vụ, các trung tâm Logistics quy mô vừa.

Làm tốt công tác khuyến công, dự báo tình hình cung - cầu, thị trường, giá cả; kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất với thị trường tiêu thụ; triển khai hiệu quả mô hình chợ nông sản 4.0, sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch sản phẩm OCOP của tỉnh…

Đồng chí cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên công chức của ngành tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Công Thương “chuyên nghiệp, năng động, đổi mới, sáng tạo, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà”.

296 lượt xem
Hiền Trang