Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với sự ủng hộ của các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần nỗ lực, sáng tạo của tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động, Công ty đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh giấy Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 79/QĐ ngày 10/02/1972 của Ủy ban hành chính tỉnh Yên Bái thành lập Xí nghiệp Quốc doanh giấy tỉnh Yên Bái trực thuộc sự quản lý của Ty Công nghiệp Yên Bái với 3 dây chuyền sản xuất giấy công suất 900 tấn/năm và đây là xí nghiệp giấy có công suất lớn của khu vực phía Bắc lúc bấy giờ.
Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái được thành lập trong bối cảnh khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt mà trực tiếp là các nhà máy, xí nghiệp. Thực hiện chủ trương của Trung ương thành lập các nhà máy sản xuất giấy về các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi để sản xuất phục vụ nhu cầu thiết yếu, tỉnh Yên Bái được thành lập 3 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 900 tấn/năm, tổng số cán bộ, công nhân xí nghiệp khoảng 150 người.
Trong giai đoạn mới xây dựng, nhà máy mới đi vào vận hành sản xuất thử xong thì lại phải tháo máy đi sơ tán đến Hợp Minh, Yên Bình, Sân bay Yên Bái bởi chiến tranh Mỹ bắn phá miền Bắc. Những năm này, có khoảng 150 người trực tiếp lao động sản xuất, với sản phẩm chủ yếu là giấy viết tẩy trắng và giấy đen, giấy bao gói.
Trong thời kỳ này, nhà máy được đánh giá là một trong những xí nghiệp đầu đàn của tỉnh, sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh: Nam Định, Quảng Ninh, Sơn La, Nhà máy Xi măng Sài Sơn... Năm 1979 chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, công nhân từ Xí nghiệp giấy Lào Cai sơ tán về ghép vào cùng sản xuất và năm 1981 thành lập Xí nghiệp giấy Hoàng Liên Sơn và giai đoạn từ 1981- 1986, Xí nghiệp có trên 400 người; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Đồng thời, trong giai đoạn này, Xí nghiệp giấy cũng bao gồm nhiều phân xưởng như: Phân xưởng nấu, phân xưởng nghiền, phân xưởng xeo, phân xưởng cơ điện, phân xưởng phụ, tổ thành phẩm, tổ nồi hơi...
Từ 1991 - 2000, do ảnh hưởng chung của xóa bỏ bao cấp, các sản phẩm giấy của Xí nghiệp sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, chất lượng giấy không được cải thiện nên mất dần chỗ đứng, không tiêu thụ được sản phẩm và năm 1991 thì ngừng sản xuất giấy rồi lần lượt các sản phẩm: tấm lợp bằng cót ép, mũ cối, gỗ dán ra đời.
Do vậy, Xí nghiệp giấy Hoàng Liên Sơn đổi tên thành Xí nghiệp gỗ dán Yên Bái. Cùng đó, chủ trương của tỉnh sáp nhập Xí nghiệp đường rượu vào Xí nghiệp gỗ dán và thành lập Công ty Chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái theo Quyết định số 53/QĐ.UB ngày 9/6/1994 của UBND tỉnh.
Lúc này, Công ty vừa sản xuất gỗ dán vừa sản xuất bia. Đồng thời liên doanh với Công ty Haphaco Hải Phòng sản xuất giấy đế và sản phẩm đũa tre (1994 - 1995). Năm 1998, Công ty lắp đặt 1 dây chuyền sản xuất giấy đế vừa liên doanh vừa tự sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm chính của giai đoạn này là ván ép, mì tôm Misago, bia hơi, giấy đế, đũa tre.
Giai đoạn 2000 - 2004 là cột mốc đáng nhớ với Công ty Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái khi được sự quan tâm, ủng hộ của UBND tỉnh, Công ty lần lượt thành lập các nhà máy: Nhà máy Giấy Văn Chấn (2000), Nhà máy Sắn Văn Yên (2001), Dây chuyền số 2 Nhà máy Giấy Yên Bình đi vào sản xuất (2003), Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc (2003), Nhà máy Giấy Minh Quân (2004).
Năm 2004 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về đổi mới cơ cấu các thành phần kinh tế và Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Nhận thức đây là thời cơ, luồng gió mới để thay đổi cơ chế quản lý nhằm khắc phục những nhược điểm của cơ chế quản lý cũ tại thời điểm đó, Công ty Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã họp bàn và thống nhất cao chủ trương cổ phần hóa; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho Công ty xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Được sự ủng hộ của các cấp, ngày 27/8/2004 UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 276/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Công ty Chế biến Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái thành Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái. Đến năm 2008, cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu CAP niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Sau giai đoạn cổ phần hóa, Công ty đã không ngừng phát triển, mở rộng các dây chuyền, nhà máy, quy mô sản xuất, kinh doanh, tiêu biểu như dây chuyền số 3 Nhà máy Giấy Yên Bình (2005), dây chuyền số 2 Nhà máy Sắn Văn Yên (2007), Nhà máy Chế biến tinh dầu quế Văn Chấn (2010), Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Phú Thịnh (2013), Nhà máy Giấy Yên Hợp (2014).
Khi bắt đầu chuyển đổi mô hình sở hữu từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm với các mặt hàng: tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, trong khi chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao, nhưng với chiến lược kinh doanh rõ ràng, đào tạo được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và một nền tài chính lành mạnh, Công ty đã chèo lái đưa con thuyền đi từ thành công này đến thành công khác.
Đồng thời, ngày càng khẳng định được vị thế của Công ty trên thương trường, trở thành thương hiệu có uy tín trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng lâm nông sản. Yếu tố dẫn đến sự thành công của Công ty: Phải trung thành với nguyên tắc lãnh đạo sản xuất là kiên quyết chỉ đạo thực hiện cơ chế khoán, quản lý sản xuất nhằm phát huy lợi ích giữa Công ty và người lao động và tuân thủ 4 vấn đề quan trọng trong chiến lược kinh doanh là: phải có chiến lược sản phẩm, nguồn nhân lực, huy động vốn và lựa chọn đối tác để xây dựng thị trường.
Hơn nữa, khi làm ăn có lãi, Công ty đã có nhiều chính sách hỗ trợ vùng nguyên liệu như: sửa chữa đường dân sinh, hỗ trợ canh tác sắn bền vững, hỗ trợ cây quế giống cho đồng bào vùng nguyên liệu quế; có cơ chế thu mua nguyên liệu với giá ổn định để người nông dân có lãi, yên tâm đầu tư vùng nguyên liệu để ổn định về diện tích và sản lượng cho các nhà máy.
Trải qua các thời kỳ lãnh đạo của các đồng chí: Trương Ngọc Biên, Trần Công Bình, Nguyễn Quốc Trinh, Hứa Minh Hồng, Lê Long Giang, đến nay, Công ty có 7 nhà máy đang hoạt động với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hàng năm, thu nhập của cán bộ, công nhân viên được đảm bảo.
Đặc biệt, trong niên độ 2021 - 2022, Công ty có sự phát triển vượt bậc: sản lượng giấy đế đạt xấp xỉ 20.000 tấn; giấy vàng mã trên 7.000 tấn; sản phẩm tinh bột sắn đạt gần 31.000 tấn; bã sắn khô tương đương 6.500 tấn; doanh thu đạt trên 650 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt trên 100 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên 16 triệu USD; nộp ngân sách trên 38 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng; giá trị vốn hóa của Công ty trên thị trường chứng khoán hơn 600 tỷ đồng; vốn góp của cổ đông được bảo toàn và phát triển.
Với những kết quả đã đạt được trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm liền Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái được các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2013, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đây là phần thưởng cao quý cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, người lao động trong Công ty và là động lực quan trọng để Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái tiếp tục sáng tạo phấn đấu mở rộng thị trường, đưa Công ty lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
337 lượt xem
1