CTTĐT - Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời ý kiến của Công ty cổ phần Quang Thịnh, thị xã Nghĩa Lộ gửi đến Hội nghị trực tuyến với các địa phương tiếp xúc cử tri chuyên đề kết hợp đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động năm 2023.
* Công ty cổ phần Quang Thịnh, thị xã Nghĩa Lộ:
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19, đảm bảo việc làm cho người lao động, kính đề nghị tỉnh quan tâm bố trí đủ vốn cho các dự án đang triển khai và giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các chính sách kích cầu; điều tiết giảm lãi suất tiền vay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Yên Bái trả lời như sau:
Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết cho các dự án bảo đảm quy định Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; đối với kế hoạch vốn hằng năm, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao từ rất sớm (trước ngày 10/12 năm trước năm kế hoạch), trong đó, việc giao kế hoạch vốn cho các dự án, đơn vị bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp theo tiến độ thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để chuyển sang chi đầu tư đáp ứng nhu cầu thực hiện, giải ngân của các dự án.
Ngay sau khi giao kế hoạch vốn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như: (i) Ban hành kịch bản chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn của các dự án theo từng tháng quý, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; (ii) Thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đối với các dự án trọng điểm; (iii) Rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; (iv) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tạo mặt bằng sạch để triển khai dự án; (v) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu chưa đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân;... không tiếp tục giao thầu cho các nhà thầu hạn chế về năng lực, chậm tiến độ.
Qua đó, kết quả giải ngân kế hoạch năm 2023 đến hết tháng 7 là 2.437 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch; Riêng đối với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân đạt 45,8%, đứng 10/63 tỉnh.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn bảo đảm yêu cầu.
Để đẩy mạnh các chính sách kích cầu nhằm phục hồi kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nhằm kích cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cao năng lực kỹ thuật số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba: Tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công là giải pháp khơi thông dòng vốn, đồng thời kiến nghị với Chính phủ tiếp tục hạ lãi xuất tín dụng cho vay trong bối cảnh thu nhập người dân sụt giảm.
Thứ tư: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong tỉnh, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, tập trung kích cầu một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống.
Thứ năm: Thường xuyên theo dõi, cập nhật, đánh giá tình hình và dự báo trong nước và thương mại quốc tế cung cấp cho doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả, thực thi các hiệp định thương mại tự do nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hiệp định thương mại tự do mới ký kết.
Thứ sáu: Tiếp tục thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xúc tiến thương mại, khuyến công nhằm hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Thứ bảy: Thực hiện đồng bộ giữa các sở, ngành trong đó ngành công thương thực hiện các chương trình khuyến mại trong năm và tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2023, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống, quan tâm xây dựng hạ tầng thương mại văn minh hiện đại, kết hợp thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Thông qua chương trình khuyến mại được thực hiện để kích cầu thị trường tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng cao, thực hiện chủ chương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm. Ngày 14/8/2023, NHNN Việt Nam đã có công văn số 6385/NHNN-CSTT chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở chính, các Chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất, cụ thể mặt bằng lãi suất trên địa bàn hiện nay: Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên của các chi nhánh ngân hàng thương mại ở mức 4 %/năm (giảm 1%/năm so với 31/12/2022); Cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh từ 7,0% đến 10,5%/năm (giảm 1%/năm so với 31/12/2022); Cho vay trung và dài hạn ở mức từ 8,99% đến 12,5%/năm (giảm từ 0,5%/năm đến 1%/năm so với 31/12/2022); Cho vay tiêu dùng ở mức từ 9,5% đến 12,5%/năm (giảm từ 0,5%/năm đến 2%/năm so với 31/12/2022).
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm tăng từ 12-14%, các Chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh còn nhiều dư địa để cho vay, để tìm kiếm khách hàng có báo cáo tài chính minh bạch, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi...
Qua nắm bắt thông tin từ các Chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh thì Công ty Cổ phần Quang Thịnh, thị xã Nghĩa Lộ: Từ đầu năm đến nay các Chi nhánh NHTM trên địa bàn đã trên 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho đơn vị. Vì vậy, đề nghị Công ty Cổ phần Quang Thịnh đến các chi nhánh NHTM trên địa bàn để được xem xét, giải quyết.
160 lượt xem