Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giản dị Bác Hồ

26/03/2018 11:01:00 Xem cỡ chữ
Chỉ là ngôi Nhà sàn, chiếc giường gỗ mộc, ao cá, vườn cây nho nhỏ, chỉ là bộ quần áo ka-ki, đôi dép cao su… như muôn vàn căn nhà và vật dụng bình thường của mỗi gia đình người dân, nhưng sao cho đến những ngày tháng này đây, cả người Việt Nam ta và bạn bè quốc tế, ai ai vào thăm ngôi Nhà sàn của Bác cũng lặng người, rơi nước mắt. Cuộc đời vĩ đại mà quá đỗi bình dị của Bác Hồ vẫn cứ mãi lan tỏa sức cảm hóa đối với mỗi con người.

Nhà sàn Bác Hồ

Và không chỉ là những hiện vật, cảnh quan được nhìn thấy, sự giản dị của Người còn nhất quán, xuyên suốt mọi hoạt động và lời nói trong toàn bộ cuộc đời vì nước vì dân. “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”, “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”… Ngay từ thuở truyền bá, gây dựng con đường cứu nước, Bác đã khơi gợi cho đồng chí, đồng bào những điều căn cốt, thiết thực mà giản dị như thế. Khi cách mạng bùng lên, thời cơ lớn giành chính quyền đã đến, Bác kiên quyết và sắt đá: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khi vận nước “ngàn cân treo sợi tóc” vì quân Pháp núp bóng Đồng minh tiến vào xâm lược nước ta một lần nữa, Bác đã đến thẳng nước Pháp để đấu tranh, “hòa đàm”. Trước khi đi, Người dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này là quyền Chủ tịch nước: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trên đất Pháp, Bác đưa bàn tay bịt nòng khẩu súng cổ tại pháo đài thành Tu-lông như một hành động biểu tượng ngăn cản chiến tranh…

Và Điện Biên Phủ, khi tiễn chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi chiến dịch, Bác dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng”. Bao quát tất cả là khát vọng, là chân lý “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”… Như những triết lý dân gian, như những phát minh khoa học, giản dị và ngắn gọn, chính xác, những lời kêu gọi của Người chính là những công thức chiến thắng, thành công. Là người Việt Nam, ai ai cũng hiểu, cũng thấm và quyết biến lời của Bác thành hành động, chiến đấu đến cùng. Thanh niên, phụ nữ, người già, em nhỏ, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, công an…, với ai Bác cũng dành cho những lời nói dễ nhớ, đơn giản mà rất trúng với ý nguyện tâm tư.

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” - tấm lòng tha thiết với dân, với nước là khởi nguồn cho mọi quyết định, đường lối, kế sách sáng tạo của Bác phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam, với điều kiện và tình thế thời cuộc cụ thể và lâu dài.

Người dặn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh như Cao Bằng, Nghệ An phải phấn đấu vươn lên theo hướng “kiểu mẫu, đi đầu”. Người dạy cán bộ phải gương mẫu để làm “nô bộc” của dân. Và chính Người luôn thể hiện sự gương mẫu trong mọi hoạt động của mình. Người đến tận xưởng máy nói chuyện với công nhân; lội ruộng và đạp guồng nước chống hạn cùng nông dân. Người đến tận trận địa thăm bộ đội; đến nhà dân thăm hỏi người già, trẻ nhỏ. Người cùng làm vườn, tập thể dục, đánh bóng chuyền với chiến sĩ cảnh vệ. Người mong được gặp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, thèm được nghe câu ví, giặm, ăn món cà muối quê hương…

“Như đỉnh non cao tự giấu hình” - nhà thơ Tố Hữu đã viết về sự khiêm tốn, giản dị của Bác Hồ như thế. Và nhà thơ kể: “Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà”. Bên Người, mọi thứ đều giản dị, gần gũi, bình yên.

Từ Bác, lối sống giản dị, gần dân, đạo đức, chí hướng “Vì nhân dân phục vụ” đã tỏa lan, thấm đẫm trong lớp lớp cán bộ, con người Việt Nam. Từ thế hệ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, qua thế hệ chống Mỹ, cứu nước đến thế hệ đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, lúc nào và ở đâu cũng có những con người nêu cao đức hy sinh, tận tụy, xả thân và nhường nhịn vì dân, những tấm gương “người tốt-việc tốt”, bình dị mà cao quý. Nhưng cũng tiếc và đáng trách thay là những cán bộ xa dân, những con người vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, những lối suy nghĩ thực dụng mưu lợi ích riêng mà làm thiệt hại cho nước, cho dân. Vì sao căn bệnh ăn nói to tát, khoa trương hình thức cứ lây lan? Vì sao những công trình, dự án hoành tráng tốn kém, lãng phí, những giấc mơ xa hoa sống hơn người, sống trên tiền cứ tiêm nhiễm trong xã hội?

Học tập và làm theo sự giản dị, thông thái và ung dung tự tại nơi Bác trước hết phải là lo nỗi lo của dân, sống bình dị gần dân, mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người. “Văn hóa của tương lai” tỏa ra từ Bác đã và vẫn mãi làm sáng đẹp con người Việt Nam.