Yên Bái sẽ ứng xử với doanh nghiệp bằng cả tấm lòng, bằng sự minh bạch trong môi trường kinh doanh...

17/08/2017 09:59:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- "Yên Bái coi doanh nghiệp làm ăn chân chính là ân nhân", Các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư chân chính, tuân thủ đúng quy định của pháp luật để tạo ra nguồn thu, tạo thêm việc làm cho lao động và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, là ân nhân của tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái giới thiệu với các đại biểu về tiềm năng du lịch của tỉnh.

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy tại hội thảo xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng nổi trội của tỉnh này, sáng 19/5.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức trong năm du lịch 2017 của tỉnh Yên Bái, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Yên Bái; đồng thời, kết nối hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các tour, tuyến du lịch trong và ngoài nước, cũng như mời gọi, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, có khí hậu nhiệt đới (ở phía Đông) và tiểu ôn đới (ở phía Tây), tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, môi trường sinh thái trong lành, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Bên cạnh đó, Yên Bái có nguồn nhân lực dồi dào, con người Yên Bái cần cù, chịu khó và mến khách. Nơi đây là nơi sinh sống của cộng đồng 30 dân tộc với nhiều nét văn hóa riêng, độc đáo, đậm đà bản sắc. Yên Bái có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng như: Danh thắng cấp Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; hồ Thác Bà; rừng chè cổ thụ Suối Giàng; đền Đông Cuông; đền Đại Cại...đã tạo nên hình ảnh một Yên Bái giàu tiềm năng, một miền đất hứa hẹn nhiều cơ hội cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, xã hội nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội Yên Bái đã có bước phát triển khá toàn diện, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao trong khu vực. Đặc biệt các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, du lịch Yên Bái đã có những bước chuyển biến tích cực. Tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và vùng lân cận nhằm liên kết các sản phẩm du lịch, tạo nên những hành trình xuyên suốt và chuỗi dịch vụ gắn kết; đã có nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch cộng đồng, tuy mới phát triển tại Yên Bái nhưng đã xuất hiện nhiều mô hình điểm tại các bản làng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với đó tỉnh cũng đang xây dựng và hoàn thiện những sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách: Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù; chinh phục đỉnh cao Pủng Luông; trải nghiệm du lịch mạo hiểm “Dù lượn bay trên mùa vàng” tại đèo Khau Phạ hay du lịch sinh thái mênh mông hồ Thác Bà, du ngoạn rừng chè cổ thụ Suối Giàng, hòa mình vào những điệu xòe của người Thái Mường Lò - hiện đang được tỉnh Yên Bái xây dựng hồ sơ để UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện rút ngắn triệt để thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như: Thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư giảm từ 25 ngày xuống còn 10 ngày, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày (theo Luật Đầu tư), thủ tục thành lập doanh nghiệp giảm từ 3 ngày xuống còn 2 ngày... Cùng với đó, tỉnh đã thành lập các tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan nhằm đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, du lịch tỉnh Yên Bái còn những khó khăn, hạn chế đó là: Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; dịch vụ du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao (nhất là dịch vụ lưu trú), sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, hoạt động kinh doanh lữ hành phát triển chậm. Việc huy động các nguồn lực, đầu tư dự án lớn cho phát triển du lịch còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân của những hạn chế trên do Yên Bái là tỉnh miền núi, phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chất lượng hạ tầng về kinh tế - xã hội còn thấp; hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch chưa thuận lợi; nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch còn thấp, thiếu tinh chuyên nghiệp.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Yên Bái theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, tỉnh Yên Bái chủ trương đầu tư xây dựng, hình thành vả phát triển vùng du lịch trọng điểm gồm: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; Vùng du lịch thành phố Yên Bải và phụ cận; Vùng du lịch miền Tây và Vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, dặc trưng của khu vục; xây dựng chiến lược xúc tiến cho từng sản phẩm, tour, tuyến. Đặc biệt coi trọng sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động marketing; chủ động tiếp cận với các nhà đầu tư để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Thông qua Hội thảo giới thiệu và xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch ngày hôm nay, tỉnh Yên Bái mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu các sản phẩm du lịch của địa phương để triển khai hoạt động du lịch nhằm tăng cường khả năng kết nối các tour, tuyến du lịch của tỉnh với các công ty lữ hành. Đồng thời, tư vấn, hiến kế cho tỉnh Yên Bái về cách thức triển khai, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính nổi trội để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và giúp tỉnh Yên Bái quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Yên Bái trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, xác định đây là kênh thông tin quan trọng, giá trị giúp tỉnh Yên Bái có định hướng đúng đắn phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hội thảo Giới thiệu và Xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Yên Bái; từ đó đưa ra phương hướng, ý tưởng, giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch có tính nổi trội, đặc trưng của tỉnh, là cơ sở để đẩy mạnh thụ hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch, tăng lượng khách du lịch đến với Yên Bái.

 

 

Ban Biên tập