Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> An toàn giao thông

Đã uống rượu bia, không lái xe!

18/01/2020 06:04:48 Xem cỡ chữ Google
Ngày 1-1 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cũng trong ngày này, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã chính thức có hiệu lực, trong đó nâng mức xử phạt hành chính rất nặng đối với tất cả các trường hợp uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kể cả đối với người đi xe đạp.

Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng

Những năm qua, nước ta đã trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia tốp đầu của thế giới. Trong những ngày xuân, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết, song trong những ngày đó, TNGT lại diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số người chết và bị thương. Theo thống kê, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Và hiện nay, bình quân mỗi ngày, nước ta có khoảng 20 người chết do TNGT.

Ngày 1-1 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cũng trong ngày này, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã chính thức có hiệu lực, trong đó nâng mức xử phạt hành chính rất nặng đối với tất cả các trường hợp uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kể cả đối với người đi xe đạp. Việc cùng lúc cả luật và nghị định liên quan đến chế tài xử phạt các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có hiệu lực thi hành vào ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán là một dấu mốc quan trọng, có tác dụng răn đe rất lớn đối với người tham gia giao thông có thói quen sử dụng rượu, bia. Ngay sau khi được thực thi, cả luật và nghị định trên đã tạo ra sự thay đổi quan trọng về nhận thức, ý thức tham gia giao thông của đông đảo người dân, các chủ phương tiện. Tỷ lệ người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông đã được hạn chế đáng kể, nhất là tại những thành phố lớn, nơi lực lượng chức năng tổ chức ra quân đồng loạt, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.

Mặc dù đã có những tác dụng đáng kể, song, có thể thấy, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu. Đối với nước ta, nơi rượu, bia đã trở thành đồ uống quen thuộc, văn hóa “chúc rượu” có từ lâu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán..., thì nếu không có sự chung tay vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của mỗi người dân, chắc chắn các vụ việc TNGT liên quan đến rượu, bia sẽ còn tiếp diễn. Chính vì vậy, để việc “đã sử dụng rượu, bia là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trở thành thói quen tự giác, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, biện pháp quan trọng hàng đầu là các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực công cộng, tuyến đường, ngõ xóm để nhắc nhở, cảnh báo tới đông đảo người điều khiển phương tiện. Cùng với đó, phải huy động lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Quá trình xử lý vi phạm phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, từ đó thay đổi thói quen, hành vi của mình.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền tới người dân để tất cả mọi người hiểu Luật và chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATGT, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ lưỡng để cán bộ, đảng viên hiểu rõ và tự giác chấp hành; cam kết không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Mỗi người dân hãy nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật, kiên quyết “nói không” với rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đồng thời tích cực vận động người thân, bạn bè cùng thực hiện.

(Tổng hợp theo Báo QĐND)

491 lượt xem