Khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái bao gồm các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Các công trình giao thông ở tuyến này chủ yếu đi qua sườn núi cao, vực sâu, độ dốc lớn, có địa chất phức tạp không ổn định, mỗi khi mưa lớn thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phá hủy các công trình giao thông gây tắc đường, chia cắt… Do đó, đơn vị quản lý tuyến đã phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng phương án, chuẩn vị vật tư, máy móc cho từng vị trí, từng tuyến cụ thể.
Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại số 909 khơi thông dòng chảy, đảm bảo giao thông trên các tuyến phụ trách trong mùa mưa lũ. (ảnh VOV)
Đặc biệt là với các vị trí xung yếu trên quốc lộ, tỉnh lộ như: Đoạn từ km348 – km356 (đèo Lũng Lô) Quốc lộ 37; km237 đến km243 (dốc 3 tầng), km260 đến km274 (đèo Khau Phạ) Quốc lộ 32 và tại tuyến đường tỉnh 174 từ Văn Chấn đi Trạm Tấu…
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng đường bộ I - Yên Bái, đơn vị quản lý, bảo trì, đảm bảo giao thông các tuyến đường phía Tây tỉnh Yên Bái cho biết: "Đối với những vị trí thường xuyên sạt lở đơn vị đã có vật tư, máy móc, thiết bị chuẩn bị sẵn ở đó, bên cạnh đó đơn vị cũng có cán bộ thường xuyên tuần đường, nếu có vấn đề gì thì sẽ báo cáo ngay đến Ban đảm bảo giao thông của Công ty và báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời".
Là đơn vị được giao quản lý, vận hành, bảo trì các tuyến đường ở phía Đông của tỉnh Yên Bái, gồm: Huyện Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái, ngoài những đặc điểm chung giống các tuyến ở phía Tây, các tuyến đường này còn thường xuyên bị ngập do nước sông Hồng, sông Chảy dâng cao. Mặt khác những tuyến này có lưu lượng phương tiện đông, trọng tải lớn qua lại nhiều hơn so với các tuyến ở vùng cao.
Ông Nguyễn Đắc Quyền, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại số 909 – Đơn vị được giao quản lý các tuyến đường phía Đông tỉnh Yên Bái cho biết, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và bảo đảm giao thông trong đơn vị, từ đó phân công phụ trách từng đoạn, tuyến cụ thể cho 5 đội trực thuộc.
Với trên 8.800 km đường bộ, trong đó có hơn 80km cao tốc, gần 400km quốc lộ, còn lại là đường tỉnh, đường huyện và liên xã… để đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị vật tư, xây dựng phương án phân luồng, khắc phục sự cố do bão lũ gây ra.
Ông Bùi Danh Tú, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái cho biết, tất cả các tuyến đường đều có những điểm xung yếu, bao gồm đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn. Do đó, Sở Giao thông vận tải đã xác định 5 vị trí để tập kết máy xúc, trang thiết bị, xe vận tải, rọ thép, xăng dầu, đá hộc, dầm Bailey (ben lây)… tại các vị trí này đều giao cho các đơn vị quản lý để khi có sự cố là đảm bảo giao thông nhanh nhất.
Hệ thống giao thông đường bộ ở Yên Bái đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương…Tuy nhiên, do hầu hết các tuyến đường đã đưa vào sử dụng nhiều năm, một số tuyến chưa đồng bộ về tải trọng, một số tuyến là đường độc đạo, xuống cấp… Do đó, ngành Giao thông vận tải Yên Bái đã chuẩn bị tốt cho từng tình huống nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ./.
682 lượt xem
Ban Biên tập