Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh từ xe đạp điện, xe máy điện

25/08/2021 17:03:13 Xem cỡ chữ Google
Với hình dáng thiết kế gọn, nhẹ, sử dụng tiện lợi, dễ điều khiển, giá cả phải chăng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, vận tốc tối đa không quá 25km/giờ, không tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Tuy nhiên, do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông.

Tình trạng học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện dàn hàng ngang trên đường diễn ra khá phổ biến.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn…

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh trung học cơ sở đi đạp điện, xe máy điện gây ra. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% học sinh trung học phổ thông đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.

Nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi quá nhanh, chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất vào buổi đêm… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Xe máy điện được trang bị các thiết bị an toàn tốt hơn xe đạp điện, có vận tốc tối đa từ 25 km/h đến dưới 50 km/h. Tuy nhiên, độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.

Không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi ngược chiều, đeo tai nghe... Gặp những tình huống như vậy, nếu không quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ khi nào. Cùng với việc thiếu ý thức của một số người khi tham gia giao thông, điều đáng lo ngại là theo cơ quan chức năng, thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh mặt hàng xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu có dấu hiệu giả mạo, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường quản lý, xử lý

Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế cũng như việc bảo vệ môi trường từ phương tiện xe đạp điện và xe máy điện. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn con em chấp hành tốt các quy định khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và cộng đồng. Người sử dụng phương tiện cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lựa chọn mua những dòng xe chính hãng, chất lượng tốt, cẩn thận trong cách điều khiển, tuyệt đối không được chủ quan để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện giao thông thô sơ. Do đó, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với xe đạp điện và người điều khiển xe đạp điện,… không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới. Cụ thể, xe đạp điện không phải đăng ký, cấp biển số, người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe,… Trong khi thực tế, xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ, lưu thông với tốc độ khá nhanh. Do đó, để siết chặt quản lý đối với phương tiện này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới Luật cho phù hợp, quy định cụ thể tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật, tốc độ tối đa cho phép khi lưu thông trên từng loại tuyến đường, điều kiện sức khỏe, độ tuổi và nhận thức pháp luật giao thông đường bộ của người điều khiển,…

Tìm hiểu thực tế, hầu hết người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện chưa được học kỹ năng lái xe, học Luật Giao thông đường bộ... như người điều khiển các phương tiện cơ giới khác. Đáng nói, công tác tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông cho người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, nhất là trong các trường học thời gian qua chưa đạt hiệu quả tốt nhất, việc xử lý vi phạm chưa thực hiện nghiêm, thường xuyên; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường chưa được chặt chẽ nên vi phạm vẫn tái diễn...

Ngoài ra, rất nhiều người chủ quan cho rằng pháp luật Việt Nam không quy định về vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện là hoàn toàn có quy định bắt buộc cụ thể tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hơn nữa, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện cũng chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành - điều này không chỉ là phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là bảo vệ chính bản thân mình.

1357 lượt xem
Ban Biên tập