CTTĐT - Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thì gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục văn hóa giao thông cho con em mà trước hết bố mẹ phải làm gương.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT tại trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái nằm sát cổng B của Khu công nghiệp phía Nam, lượng phương tiện lưu thông lớn, nhất là thời điểm học sinh đến trường hoặc tan lớp. Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đến trường, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1, Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an xã Văn Phú, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cơ sở tổ chức phân luồng, hướng dẫn và tuyên truyền về pháp luật giao thông đường bộ trực tiếp đến các em học sinh và phụ huynh.
Cô giáo Bùi Thị Hợp – giáo viên nhà trường cho biết: "Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh và phụ huynh thông qua các buổi ngoại khóa và họp phụ huynh. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của học sinh và người nhà học sinh đã nâng lên rõ rệt. Nhà trường cũng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". Đây là mô hình rất hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực cổng trường. Tôi mong rằng mô hình ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui".
Anh Vũ Đức Khá – phụ huynh học sinh chia sẻ: "Được các lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh, mình thấy rất tốt. Đây là việc làm để cho các em có thêm kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ".
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mô hình "Cổng trường an toàn giao thông” nhiều năm qua được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đã không chỉ dừng lại ở việc giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường, đảm bảo an toàn cho học sinh mà còn là câu chuyện xây dựng và đưa văn hóa giao thông học đường đi vào nề nếp, thành ý thức tự thân của học sinh và các bậc cha mẹ. "Cổng trường an toàn giao thông” - đó không chỉ đơn thuần là giáo dục về "văn hóa đi lại” mà còn mở ra nhiều gợi ý về phương cách giáo dục toàn diện cho học sinh hiện nay.
Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang duy trì trên 260 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông” ở tất cả các cấp. Các mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thói quen chấp hành luật an toàn giao thông của phụ huynh và học sinh. Qua đó khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, tai nạn giao thông tại khu vực cổng trường, đặc biệt tại những trường học nằm ven quốc lộ, tỉnh lộ.
Cô giáo Phạm Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn cho học sinh mỗi khi đến trường. Trước đây, giao thông ở cổng trường rất hỗn loạn. Từ khi triển khai mô hình này, cổng trường rất thông thoáng, phụ huynh cũng yên tâm hơn mỗi khi các con đến trường”.
Thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh từ ngày 1/10 – 15/11 của tỉnh Yên Bái, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại tất cả các tuyến đường, nhất là địa bàn gần khu vực trường học, khu vực có nhiều thanh thiếu niên hay tụ tập có các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Công tác tuyên truyền về chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh; các kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống khi tham gia giao thông cũng được lực lượng chức năng và các nhà trường quan tâm đẩy mạnh.
Đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức gần 60 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho trên 40.000 học sinh, giáo viên nhà trường, ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông cho 25.681 học sinh, giáo viên; 7.938 phụ huynh ký cam kết không giao xe cho con em không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, sau gần 20 ngày thực hiện đợt cao điểm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý gần 700 trường hợp học sinh vi phạm.
Trong đó có 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 5 trường hợp vi phạm tốc độ, 5 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, 6 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn của CSGT, 6 trường hợp chở quá số người quy định, gần 380 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, trên 400 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện và nhiều trường hợp vi phạm khác.
Lực lượng chức năng cũng lập biên bản xử lý trên 100 trường hợp vi phạm giao xe hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Qua việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thì gia đình là yếu tố rất quan trọng trong việc giáo dục văn hóa giao thông cho con em mà trước hết bố mẹ phải làm gương. Trước hết, các phụ huynh cần lưu ý đảm bảo việc cho con em tự đi xe máy đến trường phải đúng độ tuổi được phép, đúng loại xe theo quy định và chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.
52 lượt xem