Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> An toàn giao thông

Triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

25/06/2019 14:35:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhằm đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Để triển khai Đề án, tỉnh sẽ tổ chức công bố công khai Đề án với sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức và các đơn vị liên quan theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến tinh thần, nội dung Nghị quyết đến các tổ chức, cá nhân. Tổ chức các hội nghị, hội thảo với các cơ quan, địa phương để quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và nhận thức của người dân, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.

Rà soát, xây dựng mạng lưới bãi đỗ xe buýt, điểm đầu tuyến, điểm cuối tuyến, điểm dừng đỗ và từng bước hình thành mạng lưới bãi đỗ xe buýt, điểm đầu tuyến, điểm cuối tuyến, điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ theo đề án trong từng giai đoạn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm tốt công tác phối hợp giữa các địa phương với các sở, nghành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Tỉnh Yên Bái sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, về giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tỉnh sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, điều hành đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), vé điện tử (E ticket) trong quản lý điều hành, khai thác vận tải hành khách công cộng; áp dụng quản lý, theo dõi chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại (camera, thiết bị giám sát hành trình) kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ánh của khách hàng để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm; xây dựng Quy chế quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái; quản lý, sử dụng quỹ đất xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối,… theo nội dung Đề án đã được phê duyệt; xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất vay và cơ chế trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (nếu có) trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động xe buýt, trong đó đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Vốn ngân sách tỉnh, xã hội hóa đầu tư và nguồn hợp pháp khác…; triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; triển khai chính sách miễn giảm tiền thuê đất xây dựng bãi đỗ xe, trạm bảo dưỡng sửa chữa cho các doanh nghiệp xe buýt; xây dựng phương án cho doanh nghiệp sử dụng nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt và trong nhà chờ để hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt.

Tăng cường thông tin hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó, xây dựng website cung cấp các thông tin về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tăng cường lắp đặt bảng điện tử, hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến trên xe buýt, tại các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và nhà chờ xe buýt; phát triển ứng dụng phần mềm dành cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có khả năng sử dụng trên nhiều thiết bị (máy tính, điện thoại, máy tính bảng…); khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng chương trình nhận diện thương hiệu xe buýt (màu sơn phương tiện, logo, đồng phục…).

Triển khai cơ chế chính sách cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Giá cước hấp dẫn, cạnh tranh, phù hợp với đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, thông tin đầy đủ về lộ trình, thời gian phục vụ và giãn cách chạy xe.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tổ chức tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử, bảo quản phương tiện và thực hiện tiết kiệm nhiên liệu.

Tranh thủ các nguồn viện trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, trợ giúp kỹ thuật hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

1325 lượt xem
Ban Biên tập