Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo hiểm y tế: Phao cứu sinh của người bệnh

04/12/2017 09:27:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Chính sách Bảo hiểm y tế được coi như chiếc phao cứu sinh cho người bệnh, góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.

Nhờ bảo hiểm y tế mà nhiều người nghèo mắc bệnh được chữa trị kịp thời

Bị mắc bệnh suy thận đã gần 10 năm, tháng nào anh Bùi Văn Chức, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng phải đến Bệnh viện đa khoa thành phố Yên Bái để chạy thận nhân tạo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tấm thẻ BHYT được cấp miễn phí thật sự là chiếc “phao cứu sinh” đối với anh. Anh Chức tâm sự: “Thẻ BHYT rất quan trọng đối với tôi. Nếu không có nó, tôi không thể chữa bệnh được, vì bệnh của tôi điều trị quá tốn kém mà gia đình lại nghèo”.

Không chỉ riêng anh Chức, mà hầu hết người bệnh phải nằm viện điều trị trong thời gian dài đều thấy được “tầm quan trọng” của tấm thẻ BHYT. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Yên Bái được cấp BHYT là 100%. Đối với hộ cận nghèo, ngoài 70% mức đóng BHYT được Nhà nước hỗ trợ, thì dự án NORRED (dự án hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới) hỗ trợ 20%, tổ chức phi chính phủ EU hỗ trợ 10% còn lại.

Hầu hết các tỉnh miền núi như Yên Bái còn nhiều khó khăn. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Những lúc ốm đau, bệnh nặng, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, nhất là khi không có thẻ BHYT.

Như trường hợp của gia đình ông Phan Đức Toản ở khu 6, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Bị tai nạn giao thông cách đây vài năm khiến vợ ông Toản bị chấn thương sọ não nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Những ngày trong viện không chỉ là khoảng thời gian ông Toản cùng vợ đấu tranh giành giật lại sự sống mà còn là những chuỗi ngày khốn khổ với nỗi lo tiền bạc.

Nhắc lại những tháng năm khốn khó đó, ông Toản nghẹn ngào: “Lúc ấy, đồ đạc ở nhà đã bán cả. Tôi vay bất cứ ai có thể kể cả là vài trăm nghìn đồng để bà nhà được chữa bệnh. Ngoài các ca phẫu thuật lớn vài chục triệu đồng thì đều đặn mỗi ngày 5 triệu đồng tiền thuốc, chưa kể các chi phí khác. Không có tiền là không có thuốc. Không có thuốc, bà ấy lên cơn sốt cao, đau đớn, mê sảng còn tôi nhìn bà ấy đau đớn mà chỉ biết khóc. Nếu ngày ấy có BHYT thì gia đình tôi cũng đỡ được phần nào”.

Sau 6 tháng nằm viện, ông bà trở thành con nợ với gần 380 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con thành hơn 500 triệu đồng. Đó là một khoản nợ khổng lồ với gia đình ông và không biết đến bao giờ mới trả được hết…

Có thể khẳng định, cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, cận nghèo là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa. Nhờ có thẻ BHYT mà hàng triệu người bệnh có hoàn cảnh khó khăn được chữa trị kịp thời, gia đình bớt đi gánh nặng kinh tế.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHYT và hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 18/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, ngày 26/10/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 2457/UBND-VX chỉ đạo các ngành, các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiệm đảm bảo chỉ tiêu phát triển BHYT toàn dân từ năm 2017 đến năm 2020.

Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường, tích cực thực hiện các giải pháp phấn đấu đến năm 2020 trên 90,5% người dân tham gia BHYT.

Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; phổ biến chính sách pháp luật BHYT và các văn bản hướng dẫn đến người dân, người lao động trong mọi thành phần kinh tế bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho nhân dân, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT…