Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

BHXH tự nguyện tăng mức đóng và mức hỗ trợ

21/03/2022 15:35:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - BHXH tự nguyện là chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước, giúp người dân đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Mặc dù mức đóng tối thiểu BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 tăng theo quy định chuẩn hộ nghèo đa chiều, nhưng mức hỗ trợ của Nhà nước cũng tăng lên. Do vậy, các ngành chức năng khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện để có “điểm tựa” vững chắc khi tuổi già.

Cán bộ BHXH tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh Văn Thông.

Tăng mức đóng tối thiểu

Nhận thức và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Bảo hiểm xã hội tự nguyện, anh Nguyễn Văn Chiến, tổ 2, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đã tham gia Bảo hiểm BHXH tự nguyện tính đến nay đã được 6 năm. Theo anh Chiến, việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp anh có được một khoản tiền dự phòng; khi về già không phải nhờ đến con cái. Mỗi ngày anh dành ra khoảng 15 nghìn trong khoản thu nhập hằng ngày để cuối năm có một khoản nộp BHXH tự nguyện, kiên trì mỗi năm, sau này sẽ có tiền lương hưu, cuộc sống ổn định, không phải lo nghĩ nhiều.

Tuy nhiên từ ngày 1/1/2022, thực hiện theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, đã có những thay đổi về mức đóng đối với BHXH tự nguyện. Trong đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (tức là bằng 22% nhân với mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định mới năm 2022 là 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với năm 2021.

Đối với mức đóng tối đa, đến nay, do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng, vì thế, mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng (tức là bằng 20 lần mức lương cơ sở). Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

Với sự điều chỉnh trong mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện đã khiến nhiều người lao động tự do thu nhập thấp băn khoăn, lo lắng, trong đó có anh Chiến. Anh chia sẻ: "Hiện tại gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy tại nhà, quy mô nhỏ nên thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Do tình hình dịch Covid-19, công việc của vợ tôi rất bấp bênh, không ổn định. Việc tăng mức đóng như hiện nay khiến tôi rất lo lắng bởi phải tính toán lại nguồn thu nhập xem tiết kiệm như thế nào để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện."

Lo lắng của anh Chiến cũng là nỗi lo chung của nhiều lao động tự do, người có thu nhập thấp đang tham gia BHXH tự nguyện. Do vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, giúp mọi người lao động nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh đã có công văn chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo nhân viên đại lý thu trên địa bàn tích cực tuyên truyền giải thích về nguyên nhân tăng mức đóng để mọi người hiểu, đồng thời tuyên truyền mức tiền hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện của Nhà nước cũng tăng khi mức đóng tăng; đặc biệt là thông tin về quyền lợi mà người tham gia được hưởng khi đóng đủ số năm quy định để người dân tiếp tục tham gia.

Tăng mức hỗ trợ và quyền lợi

Theo BHXH tỉnh, cùng với việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 01/01/2022, mức tiền Nhà nước hỗ trợ cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ theo quy định. Cụ thể, người tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo tương đương 99.000 đồng (tăng 52.800 đồng), 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo tương đương 82.500 đồng (tăng 44.000 đồng) và 10% đối với các đối tượng khác tương đương 33.000 đồng (tăng 17.600 đồng).

Ông Đào Phùng Nghĩa -  Trưởng Phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: "Về nguyên tắc khi mức đóng cao thì người tham gia sẽ có mức hưởng cao hơn; thời gian tham gia lâu dài, liên tục thì mức thụ hưởng chế độ BHXH tự nguyện cũng sẽ cao hơn. Về quyền lợi thì hiện nay theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 quyền lợi chính đó là chế độ hưu trí và tử tuất, bên cạnh đó khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng người dân còn được cấp miễn phí 1 thẻ BHYT sử dụng đến trọn đời; trợ cấp mai táng; trường hợp không đủ điều kiện nghỉ hưu thì được nhận trợ cấp một lần.”

Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Những thay đổi về mức đóng đối với BHXH tự nguyện theo quy định chuẩn hộ nghèo đa chiều là tất yếu, phù hợp với đời sống và thu nhập hiện nay của người dân. Chính sách BHXH tự nguyện sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho tất cả người dân khi tham gia, giúp đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy người lao động hãy yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện bởi BHXH tự nguyện chính là "điểm tựa vững chắc" để người lao động tự do an tâm khi về già.

Để được tham gia BHXH tự nguyện, người dân đến Đại lý thu của cơ quan BHXH là UBND các xã, phường; Hội phụ nữ xã, phường; trạm y tế hoặc hệ thống đại lý thu Bưu điện văn hóa xã, phường gần nhất để được hỗ trợ. Mọi chi tiết thắc mắc, người tham gia có thể liên hệ cơ quan BHXH tỉnh Yên Bái, địa chỉ: Tổ 2 - Phường Yên Thịnh - TP Yên Bái, số điện thoại: 02163.852.816 (Phòng Truyền thông và đối tượng).   

Hiền Trang