Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái chú trọng công tác giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số

29/05/2020 07:36:06 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là chính sách đối với giáo dục và đào tạo. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương và trực tiếp là Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục nhất là vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người.

Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn tỉnh Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, nâng cao rõ rệt tỷ lệ ra lớp chuyên cần ở vùng cao; giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 800 nghìn dân, với trên 30 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 56% (theo điều tra thống kê 53 dân tộc thiểu số thời điểm 01/7/2015). Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố, 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc huyện nghèo; có 81 xã và 829 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Tày, Dao, Mông, Thái (chiếm khoảng 47% các dân tộc tại Yên Bái). Các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc gồm: Cơ Lao (25 người), Bố Y (26 người), Pa Cô (13 người) và một số rất ít người khác sinh sống chủ yếu tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là chính sách đối với giáo dục và đào tạo. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương và trực tiếp là Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục nhất là vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người. Từ đó đã tạo nên những thay đổi quan trọng, tích cực của sự nghiệp giáo dục Yên Bái: Quy mô, mạng lưới trường lớp từng bước được quy hoạch, sắp xếp ổn định và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân; đội ngũ cán bộ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất trường lớp học khang trang, từng bước hiện đại. Chất lượng giáo dục có những chuyển biến rõ rệt, nhiều chỉ số về chất lượng của giáo dục Yên Bái đã đạt ở mức khá so với khu vực và quốc gia. Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn đã có nhiều khởi sắc, nâng cao rõ rệt tỷ lệ ra lớp chuyên cần ở vùng cao; giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục.

Đến năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 451 cơ sở giáo dục, riêng giáo dục mầm non, phổ thông có 435 cơ sở giáo dục với quy mô 6.611 lớp, 205.897 học sinh, trong đó có 123.079 học sinh dân tộc thiểu số chiếm 59,7%, tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số bậc học phổ thông chiếm 48% tổng số học sinh dân tộc, chiếm 30% trên tổng số học sinh phổ thông toàn tỉnh (đạt 100% chỉ tiêu đề ra đến năm 2020). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 40,9% (173/423 trường, trong đó: 69 trường Mầm non: 27 trường Tiểu học, 71 trường THCS, 6 trường THPT).

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non và các chuyên đề đổi mới phương pháp hoạt động giáo dục. Tập trung xây dựng môi trường cho trẻ trải nghiệm; triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các lớp mẫu giáo ghép; tăng cường các biện pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh không có hiện tượng bạo hành trẻ em ở cấp học mầm non. Ngành giáo dục đào tạo phối hợp chặt chẽ với ngành y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non; 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng; tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường, lớp mầm non cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân giảm, thừa cân béo phì được kiểm soát. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện Chương trình dạy học buổi 2 dành cho các trường lớp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày (tổng số có 2.074 lớp; 56.957 hs học 2 buổi/ ngày), trong đó, có phương án dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong đó bao gồm cả giáo dục kĩ năng sống và giáo dục an toàn giao thông. Triển khai có hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần ở những trường THCS có đủ điều kiện. Tổ chức tốt cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, tổng số có 57 dự án, 108 học sinh đăng ký tham gia, 35 dự án đạt giải, chọn 06 dự án tham dự cuộc thi cấp quốc gia năm 2018. Đối với các trường PTDTNT, PTDTBT, tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt. Theo đó, tập trung chỉ đạo việc quy hoạch phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả, tổ chức triển khai việc giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông cho 100% học sinh lớp cuối cấp;  các hoạt động lao động, văn hoá, thể thao và tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù. Chú trọng công tác giáo dục dân tộc, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng lao động thông qua sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Cơ sở vật chất của ngành học mầm non và phổ thông vùng dân tộc được đảm bảo. Tổng số phòng học của giáo dục mầm non và phổ thông hiện có 6.165 phòng (giảm 238 do sáp nhập). Số phòng kiên cố: 4552 phòng (giảm 49); bán kiên cố: 1.112 phòng (giảm 112); phòng tạm còn 501 phòng (giảm 77); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 73,8% (tăng 20%), về cơ bản đáp ứng đủ cho học hai ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở mầm non, tiểu học, các trường DTNT.

Để thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp năm 2016, 2017, 2018 đã đầu tư xây dựng 663 phòng học; 353 phòng ở cho học sinh; 57 bếp - phòng ăn; 94 nhà vệ sinh; 52 nhà tắm; 70 công trình nước sạch; 16 phòng ở giáo viên; mua sắm 1.700 giường tầng; mở rộng 105.993m2; với 260 dự án, tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 465.353 triệu đồng. Các công trình đầu tư năm 2016, 2017 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các công trình năm 2018 chủ yếu đưa vào sử dụng ngay đầu năm học 2018-2019.

Chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số đã tác động tích cực đến giáo dục và đào tạo, trước hết, đó là hệ thống mạng lưới trường lớp ngày càng được củng cố, tăng cường rà soát, sắp xếp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tình trạng học sinh tiểu học bỏ học được khắc phục đáng kể. Tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi có chất lượng và bền vững. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng tăng theo các năm; chất lượng mũi nhọn được quan tâm. Cơ sở vật chất trường lớp đã đáp ứng cho việc học hai ca, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 69%.

Công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn của tỉnh được quan tâm như triển khai kịp thời mọi chế độ, chính sách của nhà nước, huy động các lực lượng xã hội vào cuộc, thực hiện các giải pháp chống hiện tượng học sinh bỏ học, duy trì sĩ số, đảm bảo 100% trẻ người dân tộc 5 tuổi được học tiếng Việt trước khi vào lớp 1; mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Quan tâm triển khai đầy đủ, tăng cường các chế độ chính sách đối với học sinh, hiệu quả giáo dục các cấp học phổ thông tăng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp lại với số lượng, quy mô phù hợp, học sinh lớp ghép giảm; học sinh được học 2 buổi/ngày phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước những năm qua đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần tạo nền móng vững chắc cho phổ cập giáo dục TH và THCS ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh./.

1951 lượt xem
Ban Biên tập