Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới

29/05/2020 07:35:57 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc ổn định tình hình xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương, những năm qua, ngành chức năng tỉnh Yên Bái đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.

Tỉnh Yên Bái đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh

Yên Bái là một tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên là 6.882,9 km2, gồm 9 đơn vị hành chính (01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện) với tổng 173 xã, phường, thị trấn; trong đó có 80 xã đặc biệt khó khăn. Tỉnh có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải (đồng bào H’Mông chiếm trên 80%) nằm trong 63 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn trên 17%.

Tỉnh Yên Bái hiện có 34.145 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 28,44% dân số); trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 100.588 trẻ (chiếm 12,8 % dân số). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có khoảng 4.000 trẻ, trong đó trẻ em khuyết tật là 1.900, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa là trên 1.967 trẻ, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 65 trẻ; ngoài ra còn có khoảng 60.000 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trên 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhiều chuyển biến tích cực

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 46 - CTr/TU ngày 27/3/2013 và chỉ đạo Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 14/8/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chỉ đạo của cấp trên. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 01 Quyết định, 07 kế hoạch thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm ban hành 04 chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo từng nội dung cụ thể; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành 14 kế hoạch, 50 công văn hướng dẫn; các ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Để tạo thuận lợi thực hiện tốt hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh tại Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 27/8/2013. 9/9 huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo, 180/180 xã, phường đã thành lập Ban bảo vệ trẻ em.

Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, đồng thời xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc ổn định tình hình xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương. Ngay từ năm 2013 các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, công văn chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt sâu sắc và rộng rãi nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới đến với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt về quan điểm chỉ đạo của Đảng với mục đích mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc.

Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền khai sinh cho trẻ em. Ngành Tư pháp đã chỉ đạo các trung tâm trợ giúp pháp lý, cán bộ tư pháp cấp xã tổ chức các đợt khai sinh và tư vấn miễn phí về quyền được khai sinh tại các thôn, bản của các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ trẻ được khai sinh đúng theo quy định ngày càng tăng so với những năm trước.

Các vụ việc liên quan đến quyền trẻ em đều được phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm quyền trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật các cơ quan chức năng đã đảm bảo thực hiện đúng các quy định về tố tụng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho trẻ em.

Công tác truyền thông, vận động xã hội của tỉnh được triển khai rộng khắp, thông qua nhiều kênh thông tin đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em, trong đó nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội cũng đã giúp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại, bạo lực và ngược đãi trẻ em.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ngừng được nâng cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức họp để phân công rõ trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện, đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian tiếp theo một cách hiệu quả. Công tác đào tạo, tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ trẻ em từ cấp tỉnh, huyện, xã được chú trọng đề cao do được hỗ trợ nguồn kinh phí từ dự án Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng được tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ. Chất lượng các lớp tập huấn được nâng cao, phương pháp tiếp cận phù hợp với nhận thức của các đối tượng tại cơ sở, theo đó nhận thức và kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ của cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được nâng cao.

Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em được củng cố và phát triển, các hoạt động xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, mô hình phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em dựa vào cộng đồng, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng được triển khai ở các xã trọng điểm, đã hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị đuối nước…

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị HIV/AIDS cho 50 cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học và các xã trên địa bàn thành phố Yên Bái, 50 nhân viên công tác xã hội cấp xã, nhân viên y tế tại trường học tại các xã, thị trấn của huyện Lục Yên. Triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và tập huấn kiến thức về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho 50 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chăm sóc trẻ tại xã Minh Xuân và thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên.Tiếp tục duy trì mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã Sơn Thịnh, Cát Thịnh (huyện Văn Chấn), xã An Thịnh, Yên Phú (huyện Văn Yên). Phát 4.500 bộ tờ rơi, sách mỏng về phòng chống tai nạn, thương tích đến 180 xã, phường, thị trấn; triển khai thí điểm mô hình Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn, thương tích cho 7.500 hộ gia đình có trẻ em tại 7 xã trọng điểm; tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, huyện; duy trì sinh hoạt 07 câu lạc bộ trẻ em tại các trường học…

Vẫn còn những hạn chế

Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, hội thảo cho đội ngũ lãnh đạo thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; tổ chức sự kiện, thăm hỏi tặng quà, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, vận động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân cùng chung tay chăm sóc trẻ em, nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, về nguồn lực, nguồn kinh phí cấp cho việc thực hiện công tác Bảo vệ trẻ em còn hạn chế, thường cấp muộn nên cơ quan chủ trì không chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai các hoạt động. Về nhân lực, địa phương chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cấp huyện và cấp xã (vẫn phải kiêm nhiệm), đặc biệt chưa bố trí được phụ cấp để củng cố đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các thôn, bản. Về trách nhiệm, một số địa phương chưa thực sự ưu tiên, quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, do đó vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị đuối nước và bỏ học.

Nguyên nhân do thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, đặc biệt là thiếu đội ngũ cộng tác viên thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngay tại cơ sở, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của trẻ em để đề xuất với cấp trên nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế… Nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhưng lãnh đạo cấp cơ sở chưa vào cuộc trực tiếp chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện việc xây dựng kế hoạch can thiệp, hỗ trợ trẻ theo Thông tư số 23/2010/TT-BLĐTBXH ngày 16/8/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Cần thực hiện tốt các giải pháp

Để nâng cao công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái trong những năm tới, tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp, cụ thể: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quyết định, Chỉ thị, Chương trình hành động của trung ương và của tỉnh về các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em theo Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Chỉ thị 18/CT-TTg của Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án bố trí cán bộ chuyên về công tác trẻ em cấp xã và  cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại thôn, bản; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ trẻ em; phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng để giải quyết hiệu quả các vấn đề về trẻ em ngay tại cơ sở; Tăng cường mở rộng hợp tác thông qua việc triển khai thực hiện các dự án bảo vệ trẻ em do các tổ chức phi chính phủ tài trợ triển khai tại tỉnh nhằm tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện./.

3565 lượt xem
Ban Biên tập