CTTĐT - Đó là mục tiêu tại Kế hoạch số 284/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về tổ chức xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc Mông trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2020 - 2022.
Với thời gian 03 năm, từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm tỉnh Yên Bái mở 07 lớp xóa mù chữ, mỗi lớp học 03 tháng, hoàn thành mức độ 1 là 09 tháng.
Cụ thể, Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2022, có 518 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (tập trung ở những thôn xây dựng nông thôn mới, các xã phát triển dịch vụ du lịch) được XMC mức độ 1 (lớp 1, 2, 3), góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi, thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn.
Với thời gian 03 năm, từ năm 2020 - 2022, trung bình mỗi năm tỉnh Yên Bái mở 07 lớp, mỗi lớp học 03 tháng, hoàn thành mức độ 1 là 09 tháng. Thời gian mở các lớp từ tháng 01 đến tháng 12 hàng năm (linh hoạt có thể học các ngày trong tuần hoặc học thứ 7 và chủ nhật tùy vào điều kiện thực tế của địa phương, của học viên vào từng thời điểm cho phù hợp). Tổng số, mở 22 lớp cho 518 học viên, cụ thể: Năm 2020 mở 08 lớp xóa mù chữ cho 175 học viên là phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ tại các xã Nậm Có, Lao Chải, Khao Mang, Cao Phạ, La Pán Tẩn và Nậm Khắt. Năm 2021 mở 07 lớp xóa mù chữ cho 162 học viên là phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ tại các xã Nậm Có, Lao Chải, Khao Mang, Cao Phạ và Chế Cu Nha. Năm 2022 mở 07 lớp xóa mù chữ cho 181 học viên là phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ tại các xã Nậm Có, Lao Chải, Khao Mang và Chế Tạo.
Chương trình học tập thực hiện theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, gồm có 03 lớp (lớp 1, lớp 2, lớp 3), thời gian học 09 tháng (03 tháng/lớp).
Dự toán kinh phí tổ chức các lớp XMC trong 03 năm, giai đoạn 2020-2022 là 983.866.000 đồng.
Để thực hiện tốt kế hoạch trên, tỉnh đã đề ra các giải pháp như tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các thôn, bản trên địa bàn huyện Mù Cang Chải về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tập trung tuyên truyền, vận động đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi từ 15-35 tuổi tham gia các lớp học XMC, gắn việc thực hiện nhiệm vụ XMC với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và đào tạo với Hội LHPN, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác XMC; Tổ chức các lớp học XMC phù hợp với điều kiện và tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, chi/tổ trưởng phụ nữ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học; Các ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp lồng ghép, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi sản xuất, dạy nghề…tạo cơ hội và điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái sau khi học chữ được học nghề, có việc làm để củng cố kết quả biết chữ, ổn định cuộc sống của gia đình, hạn chế tình trạng tái mù chữ...
Hội LHPN tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm, đông thời chỉ đạo Hội LHPN huyện Mù Cang Chải chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền; phối hợp với phòng GD&ĐT tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về sự cần thiết phải biết chữ. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chi/tổ Hội tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia học xóa mù chữ. Đôn đốc, theo dõi số lượng học viên ra lớp đầy đủ; thường xuyên báo cáo tình hình lớp học với Hội phụ nữ cấp trên. Hàng năm phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức điều tra, thống kê số phụ nữ, trẻ em gái chưa biết chữ nhằm triển khai các biện pháp vận động, tổ chức các hình thức học xóa mù chữ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy XMC. Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ giảng dạy tại các lớp trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Cùng với đó lồng ghép tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao Khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề truyền thống… tại các lớp học xóa mù chữ.
Mục đích tổ chức các lớp học XMC cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc Mông trong độ tuổi từ 15-35 tuổi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi, góp phần duy trì, nâng cao kết quả XMC, thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn./.
1391 lượt xem
Ban Biên tập