Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trước tác động của dịch COVID-19

02/06/2022 10:03:01 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thời gian qua, các cấp, các ngành đã xây dựng và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt, giúp trẻ em phát triển toàn diện.

Ảnh minh họa

Trong đó, đáng chú ý có quy định hỗ trợ đối với trẻ em F0, F1, hỗ trợ phụ nữ đang mang thai; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi... Hỗ trợ khẩn cấp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Nhiều biện pháp được áp dụng bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong khu cách ly tập trung, triển khai chiến dịch truyền thông để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịch COVID-19, hướng dẫn kiến thức kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, tâm lý xã hội và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Các tỉnh, thành trong cả nước đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về tác động của COVID-19 đến phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho trẻ em tại gia đình, cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở cách ly tập trung. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, các chiến dịch truyền thông về chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em, phòng ngừa xâm hại bạo lực trẻ em, hỗ trợ giải đáp chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới", Luật Trẻ em (năm 2016), Nghị quyết số 121/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

iếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 và tác động của các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tại, thảm họa. T

Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm có nhân lực chuyên trách công tác trẻ em ở các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện quyền trẻ em và tăng tỷ lệ chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ cơ sở; củng cố, tăng cường lực - lượng cán bộ bảo vệ trẻ em có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tốt, có đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội dành cho người lớn, nhất là việc cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cần thiết để làm cha mẹ đối với các cặp vợ chồng trẻ. Phát huy cao nhất vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, những tổ chức, cá nhân làm công tác xã hội trong phòng, chống bạo lực trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi do COVID-19.

Tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường, chú trọng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ em sau thời gian dài học tập trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng môi trường an toàn, thân thiện trong các nhà trường. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, khả năng nhận biết và tự bảo vệ của trẻ em qua các chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường hiệu quả hơn nữa trách nhiệm về cơ chế phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ cho trẻ em. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của cha, mẹ, người thân, cán bộ cơ sở trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý, bảo vệ trẻ em. Kịp thời phát hiện những hiện tượng có nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ em trong môi trường học đường để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Quyết liệt việc tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, là các giải pháp về chặn, lọc, gỡ các thông tin có hại cho trẻ em, về bảo vệ bí mật thông tin trẻ em và gia đình trong các vụ việc xâm hại, bạo lực. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

 Quan tâm, tạo điều kiện công ăn việc làm, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho những gia đình nghèo khó mà đang phải nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng, bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích.

1380 lượt xem
Ban Biên tập