CTTĐT – Những năm qua, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Yên Bái được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kiểm tra tiết trải nghiệm “Nói lời yêu thương” theo phong trào
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có gần 260.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31,6% dân số); thì trẻ em dưới 6 tuổi là trên 98.000 trẻ (chiếm 11,65% dân số). Trong đó, có trên 7.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ngoài ra còn gần 88.500 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ. Kết quả 100% cấp ủy Đảng và trên 95% cán bộ, đảng viên được phổ biến nội dung cơ bản của Chỉ thị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 27/3.2013 cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện Chỉ thị sát hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em địa bàn tỉnh; gắn nhiệm vụ công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái và xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp đã thực hiện tốt chức năng thường trực, tiến hành thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề về bảo vệ trẻ em tại các địa phương; đồng thời tổ chức phối hợp thanh tra liên ngành đối với công tác bảo vệ trẻ em tại tỉnh Yên Bái; phục vụ các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Trung ương, cấp tỉnh nhằm đánh giá các hoạt động quản lý, hỗ trợ đối với trẻ em và tìm ra các giải pháp thay đổi tốt hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp của tỉnh Yên Bái. Nhờ đó, trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để phát triển toàn diện; được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh trong môi trường an toàn, thân thiện; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm đáng kể; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được hình thành và phát triển sâu rộng; các chương trình hành động vì trẻ em được ban hành và thực thi có hiệu quả, chú trọng tới việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em.
Ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở, số bác sỹ khoa nhi tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều được bổ sung và đào tạo cơ bản, đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Hoạt động giáo dục dinh dưỡng tại khoa nhi, khoa sản bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện thường xuyên; 100% xã phường, thị trấn trong tỉnh triển khai chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, do đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em qua các năm giảm rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng năm 2012 là 20,85% giảm còn 15,65% năm 2021. Các chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai và tiêm phòng cho trẻ em được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám, tiêm phòng uốn ván ngày càng tăng, trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 98,6%; 100% trẻ em dưới 6 tuôi dược cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập và diễn biến phức tạp tại tỉnh Yên Bái, tỉnh đã hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính ách của Nhà nước đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo quy định. Công tác tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em được thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Đến nay tỷ lệ trẻ em tiêm 01 mũi đạt 99%; trẻ tiêm 02 mũi đạt 96,8%.
Việc đảm bảo quyền học tập của trẻ em được thực hiện đầy đủ, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi và chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai các phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức cho học sinh, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ bản thân, chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh bán trú và học sinh có ngu cơ cao; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên về phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng nội quy hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em. Quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp với từng địa phương. Toàn tỉnh có 173/173 đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện duy trì, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Các chính sách hỗ trợ và đầu tư về giáo dục đã tác động trực tiếp và tích cực đến các đói tượng được thụ hưởng, góp phần giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thực hiền thường xuyên. Hoạt động tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm sóc y tế, tư vấn pháp lý cho gia đình có trẻ em bị bạo lực xâm hại nhằm ổn định cuộc sống, tinh thần và đảm bảo các quyền của trẻ em theo quy định được triển khai kịp thời. Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dcuj được tăng cường, động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho các em vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 202-2021, phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” được phát động trong toàn ngành, được đơn vị đồng tình hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực. Đến nay 100% trường tiểu học và THCS (239/239 trường) có điểm tư vấn cho học sinh tại trường. Phối hợp tổ chức sinh hoạt hè tại địa phương, tham gia giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng các cấp, các lớp năng khiếu dành cho trẻ em…
Tỉnh Đoàn Yên Bái lại tập trung chỉ đạo các cấp bộ Đoàn – Hội – Đội tăng cường các hoạt động học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi thông qua các cuộc thi, hội nghị, diễn đàn để tìm hiểu quyền và bổn phận của trẻ em; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chung toàn trường; hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt liên đội, chi đội, các lớp tập huấn kỹ năng cho thiếu nhi, các câu lạc bộ Quyền trẻ em, Câu lạc bộ phóng viên nhỏ, đội tuyên truyền măng non, các chương trình phát thanh măng non tại các nhà trường, giúp các em thấy rõ hơn quyền và bổn phận của mình.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm bố trí kinh phí cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Giai đoạn 2012 – 2022 tổng kinh phí thực hiện công tác này là 8.414.478 triệu đồng.
Có thể nói, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện thường xuyên với nội dung trọng tâm gắn với “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6”, :tết Trung thu”, “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”… với nhiều hình thức đa dạng và phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới./.
906 lượt xem
Thanh Hoa