CTTĐT - Vấn nạn bạo lực học đường hiện nay đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của ngành giáo dục và phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội... Để ngăn chặn, ngành giáo dục đào tạo cùng các cơ quan chức năng địa phương đã nhận diện rõ nguyên nhân và triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng, chống.
Chung tay phòng chống bạo lực học đường.
Những vụ việc không đáng có
Tại một số nơi trong tỉnh Yên Bái, bạo lực học đường diễn ra khá nghiêm trọng cả về mức độ và hành vi. Qua các clip quay tại hiện trường cho thấy dù đang ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT, nhưng các em đã tung những cú đánh, đạp không ghê tay về phía đối thủ, cũng là anh, em, là bạn bè cùng trang lứa với mình; những bạn không tham gia đánh lộn thì đứng xem, bàn tán, quay clip... Nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường thường xuất phát từ việc trêu đùa nhau trong quá trình sinh hoạt, học tập; tác động của mạng xã hội hoặc nói xấu nhau trên mạng xã hội; tâm, sinh lý có nhiều thay đổi của lứa tuổi học sinh; một bộ phận cha mẹ học sinh thiếu quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của con em mình để uốn nắn kịp thời những lệch lạc…
Những vụ việc trên đang thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường hiện nay
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Đồng thời, bạo lực học đường, nhất là bạo lực về tinh thần, cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp sợ hãi... thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời.
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh trong sáng.
Chung tay ngăn chặn bạo lực học đường
Theo giải pháp được Ngành Giáo dục đưa ra để chung tay ngăn chặn bạo lực học đường, các em học sinh phải tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; chấp hành tốt nội quy trường lớp; tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực; tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
Đồng thời, nhà trường và ngành giáo dục đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường; tổ chức các hoạt động sân trường, hoàn động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.
Cùng với đó, thầy, cô giáo thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm; tích cực tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tập thể trong giờ hoạt động sân trường hoặc trong tiết sinh hoạt, nhằm tăng tình cảm của các em học sinh trong cùng lớp, cùng trường. Đặc biệt, tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng lành mạnh; cùng phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời
Song song đó, ba mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Theo các nhà nghiên cứu về xã hội Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối từ lâu và ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục các em mới chỉ là khẩu hiệu chứ vẫn rất lỏng lẻo.
Trong các nhà trường, nếu giáo viên hiểu được tâm lý học đường, tâm lý học sinh, tâm lý tuổi vị thành niên, có kỹ năng, kiến thức về tâm lý có thể tư vấn ngăn chặn và giải tỏa những vấn đề kìm nén trong từng cá nhân học sinh, chắc chắn những sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Thiết nghĩ, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường là việc cần làm ngay lúc này, từ nhiều phía, cả nhà trường, gia đình, xã hội và chính bản thân mỗi em học sinh. Trước tiên, cần tăng cường vai trò giáo dục cũng như định hướng của nhà trường và gia đình....
832 lượt xem
Ban Biên tập