CTTĐT - Ngay sau khi dự tập huấn hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong thảm họa và tình huống khẩn cấp trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục thiệt hại đối với trẻ em và phụ nữ do cơn bão số 3 - Yagi gây ra”, do UNICEF tại Việt Nam tài trợ, các học viên là các cán bộ xã đã tổ chức các lớp tập huấn tại xã, thôn bản phụ trách.
Với kiến thức được trang bị, ông bà, cha mẹ là những người sẽ trực tiếp đồng hành cùng trẻ và giúp các con vượt qua những cú sốc về mặt tâm lí.
Ngày 27/4, tại Nhà Văn hoá thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) đã diễn ra buổi sinh hoạt với chủ đề: “Các phản ứng thường gặp trong, sau thảm họa" cho 50 bậc cha mẹ học sinh và 80 các cháu là trẻ em các thôn: Át Thượng, Tông Rạng, Trang Thành, Kéo Quạng.
Tại đây, chị Hoàng Thị Gương - Công chức Văn hoá - Xã hội, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên đã có những hoạt động, trò chơi, gợi mở rất thiết thực, phù hợp với tâm lí của lứa tuổi nhằm ổn định cảm xúc và giảm bớt nỗi lo âu của các bé sau thảm họa; khơi gợi sự chia sẻ và giúp trẻ diễn tả cảm xúc qua các hoạt động sáng tạo; tạo không gian an toàn, nơi trẻ có thể cảm thấy yên tâm và được hỗ trợ và tăng cường sự kết nối giữa các bé, giúp các em cảm thấy mình không đơn độc.
Qua các trò chơi, các hoạt động các cháu được tạo không gian thân thiện, giúp trẻ cảm thấy an toàn ngay từ đầu, từ đó các em tự tin chia sẻ cảm xúc qua hoạt động sáng tạo.
Chị Gương cho biết: “Bản thân tôi là người được chứng kiến những thiệt hại, mất mát về người và tài sản hết sức nặng nề do cơn bão số 3 - Yagi gây ra cho bà con trong thôn Át Thượng cũng như như được đồng hành cùng bà con nhân dân thôn Át Thượng trong khắc phục thiên tai do cơn bão số 3. Sau khi được chính quyền các cấp và các tổ chức chức nhân hỗ trợ, giúp đỡ, bà con đã phần nào ổn định lại cuộc sống, tuy nhiên những ám ảnh mà đợt sạt lở gây ra sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí của người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy qua đợt tập huấn này tôi muốn được lắng nghe cảm xúc, những mong muốn của các em nhỏ để hỗ trợ, giúp các em giảm bớt những lo âu, ám ảnh, giúp các em nhỏ cảm thấy được yêu thương, vỗ về của người lớn và của cộng đồng. Bên cạnh đó bản thân tôi có cơ hội được chia sẻ với các em nhiều hơn những kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ khi phải đối diện với các thiên tai, thảm họa trong cuộc sống giúp các em sớm vượt qua được những ám ảnh do mất mát, đồng thời tạo không khí vui tươi, động viên các em bằng những hoạt động, trò chơi tạo sự thân thiện, cởi mở, gắn kết chia sẻ”.
Sau buổi tập huấn cha mẹ - những người gần gũi nhất với các em sẽ hiểu và cảm nhận được cảm xúc của các con hơn, biết được các con cần gì, mong muốn gì, đặc biệt trong thiên tai, thảm họa, giúp các con tự tin, mạnh mẽ, vươn lên và vượt qua những bất ổn về tâm lí mà các em có thể phải đối mặt. Đồng thời có kỹ năng chăm sóc, hỗ trợ các con ổn định tâm lý trong trường hợp bình thường, bất thường.

Các em tại lớp tập huấn
Còn đối với em Hoàng Quỳnh Anh, một em nhỏ trong lớp tập huấn chia sẻ: Qua lớp tập huấn các em sẽ biết các xử lý tốt hơn những tình huống bất thường mà thiên tai có thể gây ra; em cũng thấy tự tin hơn vì nhận được sự quan tâm của người lớn, cộng đồng trong thôn bản; cũng như cảm giác được sự chia sẻ, tôn trọng và hỗ trợ của cộng đồng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Em Quỳng Anh cũng cho biết: "Trước đây, em không biết phải làm gì khi gặp chuyện buồn hay phải đối mặt với những thảm hoạ như cơn bão Yagi vừa qua, nhưng qua lớp tập huấn này em đã học được cách chia sẻ cảm xúc của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn. Từ đó, em thấy tự tin hơn khi biết cách giúp đỡ bạn bè nếu họ cảm thấy lo lắng hay buồn bã. Em cũng hiểu rằng mình không cô đơn và có nhiều người sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ.
Thật vậy, sau khi được trang bị các kiến thức cần thiết, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng và tự tin hơn trong việc vận dụng kiến thức để hỗ trợ bản thân và cộng đồng. Những lớp học như thế này không chỉ giúp trẻ hiểu về sức khỏe tâm thần mà còn trang bị cho các em kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp
Ban Biên tập
6 lượt xem