Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”

14/10/2024 15:58:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã bước đầu làm thay đổi nhận thức, định kiến góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho đối tượng phụ nữ và trẻ em gái tại các xã đặc biệt khó khăn.

Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình tổ truyền thông cộng đồng và công tác truyền thông về bình đẳng giới

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Hội LHPN tỉnh triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn của các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Đối tượng thụ hưởng Dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo, giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, “Tổ truyền thông cộng đồng” là một trong những mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng tại các xã đặc biệt khó khăn.

Để các “Tổ truyền thông tại cộng đồng” hoạt động hiệu quả, Ban điều hành Dự án 8 tỉnh Yên Bái đã tập trung hỗ trợ xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số qua các ứng dụng Zalo, Facebook, từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Nậm Tộc xã Nghĩa Sơn được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2023, với 11 thành viên tham gia. Ngoài việc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn bản, tuyên truyền theo chủ đề thì việc tuyên truyền tại hộ gia đình được Tổ truyền thông của thôn thực hiện thường xuyên. Nắm bắt được hộ gia đình anh Lường Văn Thanh và chị Lường Thị Phương, thôn Nậm Tộc sinh con một bề, nguy cơ sinh con thứ 3 cao, Tổ truyền thông đã đến tuyên truyền, vận động gia đình thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và tuyên truyền nội dung về bình đẳng giới. “Sau khi được tổ truyền thông cộng đồng đến tuyên truyền, giải thích thì tôi hiểu được sinh con thứ 3 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ, cùng với đó thì không có điều kiện để phát triển kinh tế và chăm sóc con cái. Nên vợ chồng tôi quyết định chỉ dừng lại ở việc sinh hai con để chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn”. Chị Lường Thị Phương, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn chia sẻ.

Thực hiện Kế hoạch triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện Văn Chấn tham mưu UBND huyện chỉ đạo 15 xã có thôn bản đặc biệt khó khăn và thị trấn Sơn Thịnh thành lập 69 tổ truyền thông cộng đồng. Sau khi thành lập các tổ đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, trong 1 tháng tổ truyền thông tổ chức tuyên truyền ít nhất 1 lần về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa hóa lạc hậu, không tốt đến đời sống của nhân dân…Qua đánh giá, bước đầu các tổ truyền thông đã biết cách lựa chọn các vấn đề, chủ đề truyền thông phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phù hợp với yêu cầu thực hiện Dự án.

Để giúp các tổ truyền thông hoạt động hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện đã tăng cường mở các lớp tập huấn, đồng thời tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông cộng đồng. Tại buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền và được xem các tiểu phẩm do các tổ truyền thông dàn dựng để tuyên truyền tại cơ sở. Trong đó chủ yếu đề cập đến các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em tại các địa phương như: bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng bạo lực gia đình…

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả bước đầu và ý nghĩa thiết thực đối với 15 xã có thôn bản đặc biệt khó khăn và thị trấn Sơn Thịnh. Thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sống bình đẳng, an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Cùng với các “Tổ truyền thông cộng đồng”, mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cũng được Hội LHPN tỉnh Yên Bái triển khai tại các xã vùng đồng bào DTTS nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình; thực hiện truyền thông nâng cao kiến thức cộng đồng về các vấn đề bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực gia đình.

Trong giai đoạn 2021-2025, Ban điều hành Dự án 8 tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu xây dựng và củng cố 32 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên...

Ban Biên tập