Chăm lo trẻ em gái
Ngày Quốc tế Trẻ em gái (hay Ngày Quốc tế Bé gái) được vận động lần đầu tiên bởi tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, EU và các tổ chức uy tín khác. Năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất lấy ngày 11-10 hàng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, tập trung chủ yếu vào các bé gái dưới độ tuổi vị thành niên.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực, như: Giáo dục, y tế, sức khỏe, dinh dưỡng, học tập, văn học - nghệ thuật, vui chơi giải trí, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em gái có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe, được giáo dục tốt không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời mà cả khi trở thành phụ nữ.
Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, trở thành các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội. Bằng việc công nhận ngày 11-10 hàng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng trẻ em gái trên toàn cầu cần xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ và một tương lai tươi đẹp hơn.
Tại tỉnh Yên Bái với ý nghĩa bảo đảm cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt trẻ em gái, thời gian qua tỉnh đã thực hiện tốt pháp luật về quyền trẻ em, coi công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến tận các khu, ấp.
Các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung. “Bên cạnh đó, chi cục cũng đẩy mạnh truyền thông, vận động, giáo dục, cung cấp kiến thức sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Thách thức mất cân bằng giới tính
Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung đang là một trong những thách thức của công tác dân số. Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả nông thôn, thành thị. Nguyên nhân sâu xa từ việc các gia đình mong muốn sinh con trai; các quan niệm xã hội đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội. Ở một số địa phương, theo phong tục truyền thống con trai mới được kế thừa tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng… Những quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.
Mặc dù pháp luật nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh nhưng với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc phá thai dễ dàng, chi phí không cao khiến cho việc mất cân bằng giới tính khó kiểm soát.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050 nước ta sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính khi sinh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình và cộng đồng, gây ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, các tệ nạn xã hội gia tăng (như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái), kéo theo việc gia tăng bất bình đẳng giới, ly hôn, bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản.