Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Những hiệu quả từ mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

02/05/2017 04:40:00 Xem cỡ chữ
Được triển khai từ năm 2011, đến nay mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung cũng như chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Mô hình đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, CSTE nói chung cũng như CSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em (CSTE) bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em và gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với các dịch vụ về bảo vệ CSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; nâng cao nhận thức người dân về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, CSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng; xây dựng được mạng lưới kết nối dịch vụ từ cộng đồng đến các tuyến chuyên sâu đáp ứng nhu cầu của trẻ tại nơi triển khai mô hình.

Tại tỉnh Yên Bái mô hình Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội bắt đầu triển khai ở Văn Chấn từ năm 2011 trên địa bàn hai xã Sơn Thịnh và Cát Thịnh.

Từ năm 2012, mô hình có sự tài trợ của Tổ chức CRS tại Việt Nam và Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH. Từ năm 2012 - 2014 là thời gian mô hình được triển khai một cách tích cực, mạnh mẽ ở Văn Chấn.

Hoạt động chính của mô hình là triển khai tập huấn cho 143 cán bộ, cộng tác viên về việc triển khai và thực hiện hoạt động mô hình; truyền thông trên loa phát thanh của xã; tổ chức sinh hoạt cho  260 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và sinh hoạt cho 260 trẻ em tại các trường học, cộng đồng; hình thành mạng lưới kết nối dịch vụ cung cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ cấp tỉnh, huyện, xã; cung cấp các kỹ năng, kiến thức CSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giải đáp các vướng mắc cho gia đình trẻ và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương về từng hoàn cảnh cụ thể...

Bên cạnh hoạt động tư vấn, tập huấn các cộng tác viên giúp gia đình trẻ em và trẻ em tiếp cận các dịch vụ trực tiếp không cần chuyển tuyến, mô hình đã giúp chuyển tuyến dịch vụ cho 46 trẻ em đi xét nghiệm, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hỗ trợ pháp lý cho 9 trẻ em, hỗ trợ sửa sang nhà ở cho 23 trẻ và thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các em theo đúng đối tượng.

Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở Sơn Thịnh, Cát Thịnh (Văn Chấn), xã An Thịnh, Yên Phú (Văn Yên) và triển khai mới tại xã Minh Xuân và thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Qua đó, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung cũng như chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Sau thành công ở huyện Văn Chấn, bắt đầu từ năm 2015, mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em (CSTE) bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp tục được triển khai ở Văn Yên trên địa bàn hai xã Yên Phú và An Thịnh.

Trong quá trình thực hiện mô hình tại 2 huyện Văn Chấn và Văn Yên thì tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được mô hình hỗ trợ ít nhất một nhu cầu dịch vụ là 90%. Các cộng tác viên cũng như chính quyền xã đã kết nối được các dịch vụ trực tiếp không cần chuyển tuyến như hỗ trợ cho 64 trẻ em đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hỗ trợ pháp lý cho 36 trẻ em, tư vấn tâm lý cho 67 trẻ và hỗ trợ chế độ chính sách giáo dục theo đúng đối tượng cho 75 trẻ tại địa phương. Trong năm 2016, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của 2 huyện Văn Chấn và Văn Yên tham gia mô hình là 173 trẻ.

Trong năm 2015 và 2016, Sở LĐ-TB&XH đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ xây dựng 3 nhà ở, hỗ trợ đồ dùng học tập, sinh hoạt, khám chữa bệnh cho 8 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của 4 xã tham gia mô hình trị giá 150 triệu đồng.

Trong những năm qua, ngoài Văn Chấn, Văn Yên, mô hình còn được Sở LĐ-TB&XH triển khai ở Nghĩa Lộ, Trấn Yên và mới đây nhất là huyện Lục Yên.

Quá trình triển khai mô hình, để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho trẻ và chuyển tuyến hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ, cộng tác viên điều tra, rà soát ban đầu về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn để có cơ sở dữ liệu tốt nhất đối với việc xây dựng kế hoạch, chiến lược can thiệp, trợ giúp trực tiếp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Sau khi điều tra, tổ chức tổng hợp phiếu điều tra và đánh giá, xác định nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tổng hợp từng loại nhu cầu, ưu tiên những nhu cầu cấp bách và mang tính khả thi để có thể hỗ trợ trực tiếp.

Đồng thời, xem xét họp bàn những nhu cầu cần sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể địa phương để bàn bạc, tìm cách giải quyết, kết nối, chuyển tuyến nhu cầu kịp thời và hiệu quả; xây dựng mạng lưới dịch vụ đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã để có thể nhanh chóng hỗ trợ trẻ em khi cần được cung cấp những dịch vụ theo nhu cầu khác nhau...

Qua thực tế triển khai thực hiện mô hình đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, CSTE nói chung cũng như CSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội, giúp hàng trăm lượt trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục, dinh dưỡng, tư pháp... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng.

Thanh Thủy