Huyện ủy Văn Chấn đã ban hành Kế hoạch về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Văn Chấn với ba tiêu chí là: sự hài lòng về cuộc sống; sự hài lòng của người dân về môi trường sống; sự hài lòng về tuổi thọ trung bình.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện quan tâm đẩy mạnh từ cơ sở
Người dân hài lòng
Trở lại xã Tân Thịnh những ngày đầu tháng 4/2022, đi trên những con đường bê tông dài tít tắp, ngắm những đồi chè mơn mởn búp non, những vườn bưởi Diễn, vườn cam Đường canh đua nhau đâm chồi nảy lộc cho mùa mới, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của một vùng quê núi.
Đã gần 90 tuổi nhưng ông Bùi Đình Nhai, thôn Tân Phương, xã Tân Thịnh ngày ngày vẫn đi dạo trên "con đường hoa” liên thôn gần nhà. Ông tự hào kể: "Chục năm trước, con đường này nhỏ hẹp, gồ ghề nên tôi chẳng dám đi lại nhiều vì nắng thì bụi bặm, mưa lại lầy lội. Nhiều khi muốn tới chơi với mấy ông bạn thân ở cuối thôn cũng ngại! Khi có chủ trương xây dựng tuyến đường, bà con nhân dân ai nấy đều hồ hởi. Thế rồi mọi người góp công, góp của cùng làm đường mới. Giờ không chỉ phẳng phiu, rộng rãi mà còn xanh, sạch, đẹp vì được người dân trồng cây bóng mát và các loại hoa bên đường".
"Chủ nhật hàng tuần mọi người lại gọi nhau tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc cây xanh vui lắm cháu à! Không chỉ điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang mà đời sống người dân cũng được quan tâm hơn. Giờ con cháu chúng tôi không phải ra thành phố xin việc vì tại địa phương đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương” - ông Bùi Đình Nhai cho biết thêm.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường trục thôn vừa được hoàn thành, ông Nguyễn Hữu Tiến - Trưởng thôn Tân Phương phấn khởi cho biết: "Đây là con đường Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, thôn đã vận động nhân dân đóng góp ngày công san tạo mặt đường và ủng hộ thêm 20 triệu đồng để thuê máy móc thi công và làm lại hệ thống cống thoát nước qua đường với chiều dài trên 12 mét, đường kính cống thoát nước rộng gần 1 mét, bảo đảm thoát nước trong điều kiện mưa lớn nhất.
Với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, kinh tế tự cung tự cấp, người dân chủ yếu làm nương và ruộng bậc thang, để tạo thuận tiện cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), xã Sùng Đô đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai.
Với sự quyết tâm của Đảng ủy, UBND xã, Bộ phận Phục vụ hành chính công (PVHCC) xã đã sớm hình thành và đưa vào hoạt động hiệu quả, được trang bị các thiết bị hiện đại và áp dụng phần mềm điện tử, kết nối liên thông với UBND huyện cũng như các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đã hạn chế được việc đi lại nhiều lần của người dân.
Chị Giàng Thị Chư, thôn Ngã Ba chia sẻ: "Trước đây, việc giải quyết TTHC thường khá rườm rà, không chỉ là chờ đợi mà còn phải đi đi về về đôi ba lượt mới xong, nhưng mấy năm gần đây, mỗi lần đến giao dịch, chúng tôi thấy thuận hơn rất nhiều, thường ít phải chờ đợi, lại được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo”.
Ông Vàng Vảng Chống - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Xã đã chọn đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nhất là về công nghệ thông tin, có năng lực, kỹ năng giải quyết các TTHC tại Bộ phận PVHCC để đảm bảo giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến TTHC cho nhân dân một cách nhanh nhất và hiệu quả theo quy định, đồng thời công bố chế độ làm việc của Bộ phận PVHCC ngay tại UBND xã để nhân dân biết đến liên hệ giải quyết công việc”.
Chính quyền tích cực
Thực hiện Kế hoạch số 30, ngày 10/5/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, Huyện ủy Văn Chấn đã ban hành Kế hoạch số 23, ngày 28/6/2021 về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Văn Chấn với ba tiêu chí là: sự hài lòng về cuộc sống; sự hài lòng của người dân về môi trường sống; sự hài lòng về tuổi thọ trung bình.
Để việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trở thành động lực, nền tảng tinh thần, nhất là với mỗi người dân trong xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo triển khai tới các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện mục tiêu chỉ số hạnh phúc.
Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức điều tra xã hội học về gia đình hạnh phúc và báo cáo thực trạng đời sống hạnh phúc gia đình trên địa bàn; điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của người dân trên địa bàn; đánh giá "Gia đình hạnh phúc", "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc" trên địa bàn huyện; tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, tổng hợp 1.900 phiếu tại 24 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Để việc thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc được hiệu quả chúng tôi gắn kết tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Văn Chấn "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân và sự tuân thủ pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển"".
Cùng với đó, Văn Chấn đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện tốt "Đề án Văn hóa công vụ”, các phong trào thi đua trong cán bộ, đảng viên thi đua thực hiện văn hóa công sở. Triển khai xây dựng 38/213 mô hình thôn, tổ dân phố hạnh phúc. Đã thành lập 100 nhóm "Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc” trên 213 thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Tăng cường triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong huyện”.
Đến nay, tổng số trạm BTS 3G, 4G trên toàn huyện đạt trên 140 trạm, góp phần mở rộng vùng phủ sóng đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Hiện đã có 99,5% hộ dân được nghe, xem phát thanh, truyền hình; 100% người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận báo in hoặc báo điện tử, được nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2021, thời gian tới địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hệ thống phát thanh, truyền hình, mở rộng các dịch vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đẩy mạnh, phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; triển khai Cuộc vận động "Xây dựng gia đình hạnh phúc” với những nội dung thiết thực và phù hợp để xây dựng các gia đình văn hóa, hạnh phúc, thật sự là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người, tạo nền tảng nâng cao chất lượng về mối quan hệ gia đình và xã hội.
Phát động phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình "Trường học hạnh phúc”, "Lớp học hạnh phúc” trên địa bàn huyện; hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục "an toàn, yêu thương, tôn trọng”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao mức độ hài lòng của người dân về môi trường giáo dục, chất lượng dạy và học; triển khai thực hiện Mô hình "Trường học hạnh phúc" theo bộ tiêu chí tạm thời của UBND tỉnh tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Văn Chấn, Trường TH&THCS Tân Thịnh, Trường Mầm non Thượng Bằng La, Trường Tiểu học Sơn Thịnh…
Qua điều tra xã hội học, năm 2021 chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn huyện đạt 59,1%, tăng 2% so với kế hoạch. Trong đó: tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 44,9%, tăng 0,4% so với kế hoạch; tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 35,5%, bằng 100% so với kế hoạch; tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình đạt 46,7%, tăng 1,2% so với kế hoạch.
|
617 lượt xem
1