Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" trong trường học

14/06/2022 15:46:41 Xem cỡ chữ Google
Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã tích cực triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Với 100% học sinh là người dân tộc Thái, nhà trường đã trang trí, tạo môi trường giáo dục mang đậm bản sắc như xây dựng khu chợ quê trưng bày áo váy, khăn piêu, vải thổ cẩm, các đồ dùng, dụng cụ gắn với đời sống hằng ngày của người Thái...

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái của các cháu Trường Mầm non Hoa Lan, xã Hát Lừu

Bên cạnh đó, xây dựng góc trò chơi dân gian với không gian rộng rãi đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ trong các giờ hoạt động ngoài trời, trẻ có thể được tham gia vào các trò chơi chủ yếu như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố,… 

Bên trong mỗi nhóm, lớp xây dựng góc "Bản sắc dân tộc” sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lớp cũng như đáp ứng được nhu cầu học tập và vui chơi cho trẻ, tạo môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục với hình thức đa dạng phong phú như cho trẻ xem video về các ngày hội, ngày lễ của đồng bào Thái, hình ảnh về trang phục, các món ăn, tập quán sinh hoạt, canh tác của đồng bào… 

Song song với thiết kế môi trường giáo dục, các tổ chuyên môn cũng đã nghiên cứu và tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị khác thu hút sự tham gia của 100% học sinh các nhóm lớp như: múa xòe, nhảy sạp... Nhà trường cũng đã phát động 100% số giáo viên và học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ Hai đầu tuần và các dịp lễ.

Xây dựng các mô hình trường học, tích cực triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc trong các nhà trường là một trong những mục tiêu mà ngành giáo dục- đào tạo tỉnh đề ra trong thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa, con người; góp phần xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập". 

Các đơn vị trường học triển khai nhiều mô hình hiệu quả như trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; trường học tương thân tương ái; trường học gắn với việc bảo tồn các di tích lịch sử hay gắn với phát triển du lịch. 

Cùng với đó, nhiều trường đã tổ chức thăm quan Bảo tàng tỉnh trực tiếp hoặc trực tuyến; xây dựng không gian văn hóa dân tộc trong nhà trường, lớp học; tổ chức các sự kiện như thi hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc...; thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, đưa hoạt động của các câu lạc bộ vào chương trình hoạt động hàng tháng của nhà trường.

Các trường cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; tổ chức tích hợp giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong các môn học. Lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa như: tổ chức sưu tầm, trưng bày các sản phẩm là hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương... 

Huy động sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc mời các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh của nhà trường. 

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái là một trong số rất ít địa phương đã đưa được nội dung giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông. Các địa phương Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên triển khai dạy học chữ viết, tiếng nói dân tộc Mông trong trường phổ thông có đủ điều kiện; triển khai dạy học tiếng Mông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023… 

Qua các hoạt động đã được triển khai, học sinh được giao lưu học tập, tiếp thu giá trị văn hóa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa.

 

931 lượt xem
1