Mục đích, vấn đề cần giải quyết
Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là 1 trong 12 xã được Bộ TT&TT lựa chọn thí điểm đột phá chuyển đổi số (CĐS) cấp xã trong chương trình “Xây dựng xã thông minh”. Sau 10 tháng từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2021, sáng kiến CĐS cấp xã tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành triển khai thí điểm.
Mong muốn thúc đẩy CĐS cấp xã để nâng cao đời sống cho người dân, Sở TT&TT Ninh Bình được tỉnh Ninh Bình giao nhiệm vụ cùng với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT thống nhất các nội dung, cách thức tổ chức triển khai thí điểm CĐS cấp xã tại xã Yên Hoà. UBND xã Yên Hoà đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng của địa phương. Theo đó, xã đã tập trung cho công tác tuyên truyền, căn cứ vào các nhiệm vụ, thực tiễn của địa phương huy động lực lượng, triển khai các giải pháp để tổ chức thực hiện.
Cách làm, hiệu quả mang lại
Việc triển khai “Xây dựng xã thông minh” được thực hiện theo mô hình thí điểm do Cục Tin học hóa nghiên cứu hướng dẫn dựa trên 03 trụ cột: (1) Chính quyền số: gồm CĐS các hoạt động nội bộ của chính quyền và các hoạt động giao tiếp, cung cấp dịch vụ công cho người dân; (2) Kinh tế số: gồm hoạt động thương mại điện tử, du lịch số, quảng bá - thương hiệu số; (3) Xã hội số: gồm y tế số, giáo dục trực tuyến, dịch vụ xã hội số.
Với đặc thù là cấp cơ sở ở nông thôn, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa, thời gian ở tại địa bàn ít, vì thế xã Yên Hoà nhận thấy cần tận dụng tối đa sự phát triển của CNTT, trên nền tảng các ứng dụng để xây dựng các kênh giao tiếp với người dân. Xã đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng tạo thêm nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân, đến nay có thêm các kênh giao tiếp như: Hệ thống tin nhắn SMS do Viettel cung cấp; Hệ thống thông báo qua nền tảng app “Công dân số” giúp người dân tiếp nhận các thông tin đồng thời có thể gửi phản ánh, kiến nghị; Trang thông tin của cơ quan, đơn vị trên Zalo page; Trang thông tin điện tử website của địa phương. Cùng với đó, hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại 72 điểm, phủ 100% địa bàn xã.
Như vậy, chính quyền xã đã tạo kênh truyền thông thông suốt tới 100% hộ gia đình trên địa bàn thông qua trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh thông minh, tin nhắn SMS và mạng xã hội Zalo. Với đa dạng kênh thông tin, tuyên truyền, người dân xã Yên Hoà đã nhanh chóng nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của xã.
Chính quyền xã cũng đã xử lý văn bản điện tử, ký số 100%, đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền của xã (115 thủ tục) được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành có hiệu quả đã giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động; tiết kiệm được thời gian xử lý, tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm.
Về trụ cột kinh tế số, nền tảng địa chỉ số Vpostcode đã được triển khai tới 100% hộ gia đình. Các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã vuông QRCode bước đầu được triển khai.
Trong trụ cột này, việc đẩy mạnh đưa nông sản, đặc sản của Yên Hoà đã được chú trọng. Yên Hoà có một số sản phẩm nông sản nổi bật, đặc sản, tuy nhiên, việc buôn bán của nhân dân chủ yếu trước đây theo hình thức truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) chưa được áp dụng. Các sản phẩm còn đơn điệu, bao bì chưa bắt mắt, chưa sử dụng tem truy xuất nguồn gốc. Bưu điện tỉnh Ninh Bình đã triển khai đưa các sản phẩm của xã lên sàn TMĐT PostMart.vn. Hiện đã có các sản phẩm như cá trạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo… được đưa lên sàn với 23 đơn hàng, tổng số 58 sản phẩm trạch sụn kho niêu. Khi lên sàn TMĐT, sản lượng bán ra tăng gần 5 lần, thu nhập người dân tăng gần 3 lần so với trước đây.
Được biết trước khi CĐS, sản lượng bán ra từ năm 01/2019 đến tháng 8/2020 là 934 sản phẩm. Từ khi thực hiện CĐS, trong thời gian 10 tháng số lượng sản phẩm bán ra là hơn 4000, tăng khoảng 4,5 lần, ước tính tăng thu nhập cho lao động của Hợp tác xã từ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng lên khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng cho việc sản xuất các mặt hàng và cung cấp ra thị trường, địa phương đang tích cực rà soát, quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất để phát triển thêm các mô hình kinh tế.
Thực hiện trụ cột xã hội số, người dân, cán bộ, công chức trên địa bàn xã được tuyên truyền, tập huấn kỹ năng số. Dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa bước đầu được phổ cập.
Tính đến hết ngày 15/6/2021, toàn xã đã cài đặt được khoảng hơn 1.500 app Medici trên điện thoại thông minh; thành lập nhóm cộng đồng mạng Yên Hòa hỏi bác sĩ trả lời với hơn 1.500 thành viên, thực hiện tư vấn được gần 2.500 lượt tư vấn và được người dân đánh giá cao. Sau gần 1 năm triển khai, so sánh với chi phí khám thông thường đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng (chi phí khám bệnh, chi phí đi lại...).
Trong lĩnh vực giáo dục, giai đoạn 1 đề án CĐS xã Yên Hoà đã thực hiện triển khai các dịch vụ, ứng dụng tại các nhà trường, bao gồm: Cổng thông tin điện tử (Portal); Dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; Phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp.
Trong giai đoạn 2, đối với trường THCS và trường THCS, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; Hệ thống dạy, học và thi trực tuyến; Triển khai điểm danh thông minh qua thẻ, vân tay hoặc nhận dạng hình ảnh; Phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử; Ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; Ứng dụng chữ ký số trong kí hồ sơ giáo dục cho các nhà trường đã được triển khai. Đối với trường mầm non triển khai phần mềm quản lý dinh dưỡng, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học tiếng anh cho giáo viên, điểm danh thông minh qua vân tay, hệ thống thông tin giữa nhà trường và phụ huynh đã được triển khai. Đến nay, theo xã Yên Hoà, các nội dung trên đang được đưa vào đào tạo, tập huấn và triển khai sẵn sàng để đưa vào sử dụng ngay, đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các nhà trường trong năm học mới sắp tới và những năm tiếp theo.
Bài học rút ra
Theo chia sẻ của đại diện Cục Tin học hoá, thành công của CĐS tại xã Yên Hoà có được là bám sát vào sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa, Sở TT&TT tỉnh, UBND huyện về định hướng, cách làm, nguồn lực, giải pháp CNTT trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Khi bắt đầu triển khai phải xác định và đánh giá cụ thể, rõ ràng các điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để từ đó xây dựng được các nội dung cần triển khai có tính sát thực và phù hợp.
Việc triển khai CĐS, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện, nên công tác tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là CĐS, CĐS ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận. Đặc biệt, triển khai CĐS thành công có được là nhờ huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai; Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà ở đây chính là vài trò đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND xã.
Đại diện Cục Tin học hoá cũng cho biết, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, vì điều kiện địa lý xa nên phối hợp giữa các đơn vị rất khó khăn, chính vị vậy luôn phải có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, các công việc thông qua email, điện thoại... Khi đạt được sự đồng thuận là bắt đầu triển khai ngay.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một đội ngũ, một lực lượng tham gia tích cực để triển khai các nhiệm vụ, lực lượng chủ lực ở đây là Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Hội Phụ nữ là những người sát với đơn vị, có thể truyền tải trao đổi và tuyên truyền tốt và là người lớn tuổi nên quá trình đi tuyên truyền, vận động sẽ thuận lợi, còn Đoàn Thanh niên là lực lượng nhanh nhạy, tiếp cận CNTT tốt sẽ giúp triển khai nhanh hơn. Trong quá trình triển khai cần phải phát huy được tính chủ động trong việc tìm những cái mới, cái mà người dân và địa phương còn đang khó khăn, cần giải quyết để đề xuất tìm và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đã nhấn mạnh: “CĐS tại xã Yên Hoà: công nghệ, kinh phí là điều quan trọng nhưng không phải là quyết định, mấu chốt là phải tìm ra bài toán hỗ trợ, các dịch vụ, tiện ích ảnh hưởng trực tiếp, nâng cao chất lượng cho người dân. Nói cách khác, lấy nhân dân làm trung tâm thì sẽ được đón nhận và lan toả”.
0 lượt xem