Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số. Bước đầu, Yên Bái đã bắt nhịp xu thế chung.
Cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái và Điện lực Yên Bái tuyên truyền người dân tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Xu hướng phát triển chủ đạo
Sự phát triển của công nghệ, các cơ chế chính sách cùng với những quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) đã được các cơ quan chức năng hoàn thiện và đồng bộ là nền tảng thúc đẩy hoạt động này ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Mục tiêu tạo chuyển biến tích cực
Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán KDTM trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán KDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán KDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán KDTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Để đạt được các mục tiêu, Đề án đã đề ra các giải pháp với các nội dung cụ thể về: hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán KDTM; tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán KDTM.
Tại Quyết định này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Đề án, hàng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025.
Khách hàng quét mã QR tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái để chuyển tiền.
Yên Bái bắt nhịp xu thế chung
Thanh toán KDTM là một chủ trương được Chính phủ chú trọng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hoạt động thanh toán KDTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua đã bước đầu có những chuyển biến và kết quả nhất định.
Đặc biệt, 2 năm qua, tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 vừa đặt ra nhiều thách thức vừa tạo ra những cơ hội mới. Ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, thanh toán KDTM được nhiều người lựa chọn đã góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.
Với tiện ích nổi trội, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã chủ động tiếp cận, thường xuyên thanh toán KDTM khi giao dịch với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng...
Kết quả này có được nhờ cơ sở hạ tầng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc, nhất là công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán KDTM được coi trọng, tăng cường. Bên cạnh đó, nhiều trường học đã triển khai thu học phí qua tài khoản chung của nhà trường; tỷ lệ người dân Yên Bái từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại các ngân hàng ngày càng cao...
Thành phố Yên Bái là địa phương tiên phong triển khai thực hiện thẻ điện tử công chức, viên chức và thanh toán KDTM từ cuối tháng 10/2021. Đây chính là tiền đề quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái cũng như thành phố Yên Bái, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 51/NQ-TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy Yên Bái.
UBND thành phố Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận tích cực của người dân nói chung, của công chức, viên chức nói riêng đối với hoạt động thanh toán KDTM, trong đó đặc biệt ưu tiên các giải pháp phát triển thanh toán KDTM ở khu vực nông thôn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng số, hướng dẫn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thanh toán KDTM.
Để hoạt động thanh toán KDTM của thành phố Yên Bái tổ chức thực hiện hiệu quả, là cơ sở thực tiễn quan trọng nhằm nhân rộng và áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của thành phố Yên Bái, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến cùng nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán KDTM. Các dịch vụ thanh toán KDTM ngày càng đa dạng, an toàn, tiện lợi hơn.
Do đặc thù công việc phải thường xuyên nhận và chuyển tiền, nếu sử dụng tiền mặt thì trước đây anh Hà Ngọc Thắng ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái mỗi tháng phải đến ngân hàng ít nhất 2 - 3 lần để chuyển khoản khi thanh toán hay nhận tiền mặt từ khách hàng thì nay chỉ cần ngồi ở nhà hay quán cà phê có wifi đã có thể sử dụng app của ngân hàng để chuyển khoản giao dịch trong tích tắc. Anh Thắng chia sẻ: "Sử dụng các ví điện tử hay Mobile Banking, Internet Banking rất tiện lợi, không mất thời gian mà lại còn an toàn”.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần trên địa bàn tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của địa phương và của ngành; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện cho người sử dụng an toàn, bảo mật.
Nhờ vậy, hoạt động thanh toán KDTM của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Việc ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cơ sở phục vụ cho các dịch vụ thanh toán KDTM được các ngân hàng chú trọng phát triển.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ngành ngân hàng miễn phí sử dụng trong giao dịch như chuyển tiền trực tuyến qua Mobile Banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử hay thanh toán tại cửa hàng, trên website bán hàng qua mã QR... đã liên tục xuất hiện, ngày càng phổ cập trong cuộc sống, tạo bước phát triển mới trong các phương thức thanh toán của ngành ngân hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đem lại lợi ích thiết thân cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Hồ Anh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái cho biết: "Ngân hàng đang phối hợp với phường Đồng Tâm, Minh Tân của thành phố Yên Bái triển khai phương thức thanh toán KDTM tới toàn thể người dân; triển khai dịch vụ thu hộ học phí và viện phí".
Nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái tạo tài khoản cho người dân tại phố đi bộ Hào Gia, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Sau gần 2 năm, Ngân hàng đi vào hoạt động, đến nay có gần 9.400 khách hàng có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển hơn 300 điểm QR thanh toán. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng để khách hàng dễ dàng trong thanh toán KDTM ở bất cứ đâu.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tính đến tháng 6/2022, trên địa bàn có trên 1.000 đơn vị trả lương qua tài khoản ngân hàng; 6 chi nhánh ngân hàng tham gia thanh toán dịch vụ công; phối hợp với 29 trường học thu hộ tiền học phí và 10 bệnh viện thu hộ tiền viện phí.
BIDV Chi nhánh Yên Bái đã ký chương trình phối hợp với Viễn thông Yên Bái để thực hiện thanh toán các dịch vụ qua ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, có trên 11,5 triệu lượt giao dịch thanh toán qua điện thoại di động, tăng trên 1,4 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2021; giao dịch thanh toán qua Internet gần 306 nghìn lượt, tăng trên 214 nghìn lượt; thanh toán qua POS, QR code trên 92 nghìn lượt; thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội đạt trên 166 nghìn lượt, tăng trên 34 nghìn lượt; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 40%.
Ngoài các phương thức thanh toán qua thẻ, các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai phương thức thanh toán thông qua các app ứng dụng trên điện thoại thông minh như: Internet Banking, Mobile Banking và các ví điện tử như: Viettel Money, VNPT Money... Qua đó, không chỉ giúp cho người dân từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn.
Từ kết quả trên có thể thấy, việc thanh toán KDTM đã trở thành xu thế mới hiện nay bởi những tiện ích mang lại. Đây sẽ là sự lựa chọn của nhiều người trong thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh. Đặc biệt, hoạt động này sẽ góp phần cùng tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.
Thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả
Thực tế, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm KDTM của người dân Yên Bái có những thay đổi lớn. Đồng thời, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân lựa chọn sử dụng như: thẻ chip, mã QR, ví điện tử… và ứng dụng Mobile Banking.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Nguyễn Thị Hải, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã hạn chế tối đa đến nơi đông người, chuyển sang mua sắm trực tuyến. Ngoại trừ đi chợ, ra cửa hàng tạp hóa là phải dùng tiền mặt, còn các hoạt động mua sắm khác chị Hải đều thanh toán qua thẻ.
Chị Hải cho biết: "Lúc đầu chưa quen nhưng sau lựa chọn hình thức mua trực tuyến thông qua các kênh bán hàng, tôi thấy tiện lợi hơn hẳn. Tất cả tiền của mình đều có trong tài khoản nên việc thanh toán trên các ứng dụng điện tử rất nhanh chóng, đơn giản. Tôi có cài tích hợp thanh toán qua thẻ tín dụng ở các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Smart Banking, ví điện tử… nên khi mua sắm rất thuận tiện”.
Người dân quẹt thẻ tại quầy thanh toán khi mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
Anh Nguyễn Văn Hải, thôn 5, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên cũng đã quen với hình thức mua sắm KDTM gần 2 năm nay. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để hạn chế tiếp xúc đông người, sau khi tìm hiểu và được hướng dẫn mua sắm trực tuyến, anh Hải bắt đầu làm quen và thực hiện. Anh Hải cho biết: "Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ việc mua sắm theo hình thức trực tuyến là tạm thời, nhưng bây giờ, tôi thấy rất hữu ích bởi hạn chế được việc phải đi lại, tụ tập đông người, không phải tích trữ tiền mặt, thanh toán qua thẻ quen rồi...”.
Giải pháp thanh toán KDTM được khuyến khích trong giai đoạn dịch bùng phát đã và đang trở thành thói quen của nhiều người. Cửa hàng mua sắm Hùng Hằng, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì việc khách hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu KDTM đã tăng lên rất nhiều.
Nếu trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người đến mua hàng đều dùng tiền mặt để thanh toán, thì nay con số thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 30%. Đa số người dân đã chuyển sang việc mua hàng KDTM bằng việc quét mã QR để thanh toán.
Ông Hùng - Chủ cửa hàng mua sắm Hùng Hằng cho biết: "Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chúng tôi khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa KDTM để hạn chế việc tiếp xúc gần, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Tại quầy thu ngân, chúng tôi có hệ thống quét mã QR của các ngân hàng để người dân thanh toán quét mã thuận tiện nhất”.
Tháng 10/2021, UBND thành phố Yên Bái ra mắt thẻ điện tử công chức, viên chức và thanh toán KDTM. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo phường Nguyễn Thái Học phối hợp với VietinBank Yên Bái triển khai thí điểm phát triển thanh toán KDTM trên địa bàn phường giai đoạn 2021 - 2022. Thành phố cũng đã thí điểm lắp đặt 4/36 thiết bị đọc thẻ công chức; đầu tư 300/589 thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức thẻ điện tử tích hợp với thẻ ngân hàng ATM.
Đến nay, 15/15 xã, phường đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền và triển khai thanh toán KDTM. Các địa phương tiến hành đăng ký tài khoản ngân hàng cho các chức danh: cán bộ - công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố, phó trưởng thôn, tổ đội trưởng, trưởng ban bảo vệ dân phố, cán bộ hưu xã, ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã, phường, đại biểu HĐND cấp xã...
Nhiều xã, phường đã triển khai thực hiện thanh toán KDTM với tỷ lệ cao; 70% các cá nhân đã có tài khoản ngân hàng; 70% các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn phường được in, trang bị đầy đủ mã QR code được kích hoạt để thực hiện giao dịch; 95% các địa điểm kinh doanh được trang bị thiết bị phát wifi để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Kết quả, đã có 875 tài khoản và app của các ngân hàng: BIDV, AgriBank, VietinBank được tạo cho cán bộ, công chức và người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn phường; 51 mã QR code cho các doanh nghiệp, cá nhân hộ kinh doanh, 12 máy Post quẹt thẻ tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn phường. Có thể thấy, việc mua sắm KDTM của người dân đang dần có những thay đổi lớn, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán KDTM, tiến tới một xã hội KDTM.
0 lượt xem