Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép, lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng,Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống và thông tin an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân…
Sáng 4/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình thêm với các đại biểu Quốc hội những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, thông tin cá nhân và công tác kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đã kết nối dữ liệu 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp, 5 UBND
Trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn việc đầu năm 2023, người dân sẽ không sử dụng hộ khẩu giấy, tuy nhiên đến nay dữ liệu dân cư không được kết nối đồng bộ nên việc giao dịch sẽ rất khó khăn.
Trả lời về vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân của 15 địa phương. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn như: hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin được xác nhận để có thể kết nối với dữ liệu. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình trước Quốc hội. Ảnh: VPQH. |
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an sẽ cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kết nối này để phục vụ cho Nhân dân.
“Theo kinh nghiệm chúng tôi đã làm cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nếu đã có cơ sở dữ liệu, phải đảm bảo đúng 4 nguyên tắc là đúng, đủ, sạch, sống. Nếu thiếu những yếu tố này trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì không thể hoàn thiện để thực hiện được”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng thông tin thêm: Tính đến ngày 01/11/2022, đã cấp 12.020.887 hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại tiện ích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp rất lớn.
Bộ đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định có liên quan đến các quy định có sử dụng sổ hộ khẩu trong hệ thống cơ quan của chúng ta để không sử dụng hộ khẩu có giá trị đến ngày 1/11. Nghị định này dự kiến sẽ được thông qua và có giá trị trước ngày 15/12/2022 này.
Xây dựng dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Liên quan đến tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá tình trạng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay đang diễn ra một cách rất phức tạp.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép, thu thập, mua bán trái phép, lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng, Bộ trưởng kiến nghị bốn giải pháp cụ thể:
Một là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng, trong đó đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, vì Nghị định này rất quan trọng.
Thứ hai là các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc này rất quan trọng, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói: "Dữ liệu là tài sản quốc gia cũng cần phải được bảo đảm, trong đó kể cả dữ liệu bí mật về cá nhân cũng cần phải được bảo đảm".
Thứ ba là phải xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu để bố trí đội ngũ nhân sự có khả năng, có năng lực để hoàn thành được nhiệm vụ này, không chỉ riêng đối với cơ quan của Bộ Công an mà với các cơ quan có liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu đều phải làm việc này.
Thứ tư là cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu và mở rộng quan hệ hợp tác với quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới và tích cực tham gia xây dựng các sáng kiến, các cơ chế phối hợp, các Bộ quy tắc, tiêu chuẩn về dữ liệu bảo vệ an ninh mạng và an ninh dữ liệu./.
486 lượt xem