Mạnh dạn chuyển đổi số nhằm khai thác hiệu quả nhà văn hóa và kiến tạo những kỳ họp chất lượng, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã đột phá rõ nét đời sống tinh thần và vật chất cho người dân xứ núi.
Ngày hội chuyển đổi số tại "Nhà văn hóa số" Khe Bành.
"Công dân số" Khe Bành
Bí thư Chi bộ thôn Khe Bành (xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên), ông Triệu Chằn Ton, rút ra chiếc smartphone mới cứng khoe chúng tôi những bức ảnh chụp hôm cả bản ra nhà văn hóa giao lưu chuyển đổi số. Một ngôi nhà khang trang, khoảng sân rộng lát gạch đỏ, bên trong đủ bàn ghế cho hàng chục người ngồi, lại thiết kế cả sân khấu rất đẹp. Hai cái loa to, micro xịn, tivi màn hình phẳng, bàn mixer kỹ thuật, tất cả kết nối internet rất nhuần nhuyễn dưới bàn tay của lão bản họ Triệu. "Cả bản được họp trực tuyến nhé. Họp huyện nói gì, tỉnh nói gì, dân muốn có ý kiến gì, nhà văn hóa kết nối nhanh lắm", ông Ton vui vẻ cho biết.
Huyện Văn Yên đề ra 14 chỉ tiêu cụ thể trên 3 trụ cột chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, 63 phần việc, 19 chỉ tiêu cơ bản. Toàn huyện hướng đến 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên cổng trực tuyến, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hiện đã có 86 phần việc chuyển đổi số được 77 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đăng ký thực hiện.
Ở xã Châu Quế Hạ, nhà văn hóa bản Khe Bành của người Dao là một địa chỉ điển hình trong 92 "nhà văn hóa số" toàn huyện. Một cuộc hưởng ứng chưa từng có về chuyển đổi số, tưởng chừng bỡ ngỡ ở núi rừng Tây Bắc nhiều khó khăn, đã diễn ra khá thú vị khi người Dao góp tiền sắm sửa cho nhà văn hóa và tự trang bị smartphone với kiến thức công nghệ cần thiết.
"Nhà văn hóa số" theo hai mức, từ có thiết bị âm thanh, hệ thống wifi cho đến mức nâng cao có màn hình tivi và thiết bị thông minh phục vụ trực tuyến. Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, ông Hà Đức Anh khẳng định đây là mô hình đầu tiên trên toàn quốc. "Chúng tôi có Bộ tiêu chí tạm thời về công dân số và bám sát thực tiễn địa phương và xây dựng nên “công dân số”, tạo hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt", ông Hà Đức Anh nói.
Khắp các thôn bản ở Văn Yên đều có "Tổ chuyển đổi số cộng đồng" hướng dẫn triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ số đến người dân. Từ đây nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể. Thôn Khe Bành còn lập nhóm Zalo với 85% đại diện số hộ dân tham gia. Họ bàn bạc việc bản, phổ biến chính sách mới, "up" tin vui, ảnh đẹp. Đến nay 100% đảng viên của Khe Bành đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Chi bộ.
Có lẽ đây là con số gây ngạc nhiên: Khe Bành đã phủ sóng di động 4G, có 200 hộ sở hữu smartphone (đạt gần 100%); có 368 người được tập huấn kỹ năng số cơ bản, 80% người dân đã cài đặt và được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến; số người được hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 70%; gần 80% người dân cài sử dụng nền tảng "Sổ sức khỏe điện tử”, được tư vấn khám chữa bệnh từ xa VOV Bacsi24... Bản làng xa xôi Khe Bành, nơi đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ với hầu hết là người Dao sinh sống, hộ nghèo chiếm tới một phần ba, nhưng được chọn diễn ra "Tuần lễ chuyển đổi số" của huyện. Nhiều ý kiến trước đó cho rằng huyện đã mạo hiểm "làm ngược" khi chọn bản này để tổ chức ngày hội số, nhưng kết quả khá ấn tượng. "Khe Bành đã cho huyện kinh nghiệm quý, và cũng minh chứng bước đi mạnh dạn của cán bộ khi phát động chuyển đổi số từ nơi khó khăn nhất. Phép thử Khe Bành thành công, hà cớ gì các thôn còn lại không làm được? Văn Yên sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, và phấn đấu đến năm 2025 sẽ là địa phương đứng đầu tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số", Phó Chủ tịch huyện Lã Thị Liền phấn khởi nói.
Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, và cái chung tay đồng lòng của người dân, dĩ nhiên có doanh nghiệp viễn thông đồng hành, những mô hình: “Thôn chuyển đổi số”, "Nhà văn hóa số", "Công dân số" ở đất quế Văn Yên đã lập tức thu trái ngọt. Anh Lê Văn Nguyện - Tổ trưởng Tổ công nghệ cộng đồng xã Châu Quế Hạ, cho biết bà con khắp các thôn rất háo hức, phấn khởi kéo nhau đến nhà văn hóa đăng ký thẻ ngân hàng, sổ khám bệnh, và cài đặt mã định danh điện tử. Các bạn trẻ thì càng hăng hái, họ hỗ trợ đắc lực bà con hình thành thói quen sử dụng công nghệ số vào đời sống và công việc hằng ngày.
Đưa nông sản lên sàn điện tử
Chỉ hơn một năm, huyện Văn Yên có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được đăng ký, niêm yết, giao dịch trên các sàn điện tử. Thị trường vươn đến đến các tỉnh, thành trên cả nước. Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX Nông sản Thị trấn Mậu A cho biết: Hiện đã có 6/13 sản phẩm của đơn vị "lên sàn" những địa chỉ lớn như: Voso.vn, Postmart.vn. Cơ hội quảng bá rộng và thanh toán rất nhanh.
Nay toàn huyện đã có 103 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử, trong đó sàn Postmart có 25 sản phẩm, sàn Voso.vn có 78 sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã phát sinh đơn hàng đều đặn, góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận, như tinh dầu của Công ty Nam dược Đại Phú An, Công ty TNHH Trà Thảo mộc Quế Phát, HTX Quế Văn Yên, bún khô của HTX Thanh Mai... Đã có 5.445 tài khoản đã tạo app trên sàn điện tử và cài trực tiếp cho các hộ dân. Và chính cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trẻ được vận động đi đầu việc mua sắm trên sàn điện tử, kích thích giao dịch tăng lên trông thấy. Người Dao vùng đất quế Văn Yên đã thực sự tiên phong, truyền cảm hứng cho cả tỉnh Yên Bái tạo ra giá trị mới cho nông sản.
Những "kỳ họp không giấy tờ"
Đại biểu tự sắm smartphone, máy tính xách tay, và đã sẵn nền tảng số, các thiết bị phụ trợ, đã kiến tạo những "kỳ họp không giấy tờ" khá hiệu quả ở Văn Yên. Không khí trực tuyến nghiêm túc từ những cuộc họp lan tỏa về tận xã, thôn bản, tổ dân phố. Mạnh dạn tới mức cả những kỳ họp HĐND cũng "không giấy tờ", và thị trấn huyện lỵ Mậu A đã tiên phong ứng dụng, từ đây hàng loạt các xã đã vào cuộc. Đại biểu nhận "file" tài liệu từ hôm trước (có nhóm "zalo đại biểu"), thoải mái nghiên cứu và thậm chí có ý kiến lên hội đồng ngay trong đêm. Không tốn giấy, cũng không còn cảnh đại biểu chạy ngược xuôi xin tài liệu.
Những kỳ họp cấp huyện đã chuyển hàng trăm bộ tài liệu bản cứng vào file. Đỡ vất vả nhất chính là bộ phận văn phòng. Văn Yên đã chọn năm 2022 là “Năm đột phá về chuyển đổi số” từ những thành công của "nhà văn hóa số" và "công dân số" Mậu A, Khe Bành, Viễn Sơn, Đại Sơn...
Nói về chuyển đổi số, cuộc gặp mặt cuối năm ở đất quế với 300 bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, tổ dân phố, cán bộ mặt trận huyện Văn Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn rất vui mừng ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của những hạt nhân quan trọng. Những người sát dân, gần dân, hiểu dân nhất, là "cánh tay nối dài” trực tiếp của chính quyền cấp xã, và tạo nên đột phá chuyển đổi số ở vùng núi sâu xa. "Phản ánh nhanh, kiến nghị nhanh qua nền tảng số, họ là cầu nối hiệu quả nhất giữa chính quyền với dân, là nhân tố xây dựng chính quyền, tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh", ông Trần Huy Tuấn nói.
405 lượt xem