Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái: Chuyển đổi số “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm”

06/04/2023 15:02:08 Xem cỡ chữ Google
Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xác định công tác chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục là nhiệm vụ quan trọng. Đẩy mạnh CĐS trong ngành giáo dục không những góp phần đổi mới mạnh mẽ trong phương thức dạy và học mà trong công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường được nâng cao.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái. 

Trong thời gian qua, toàn ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai CĐS, trong đó tập trung "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm” và đạt những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, hoạt động dạy học trực tuyến đã được đẩy mạnh ở các cơ sở giáo dục, nhiều mô hình hay sáng tạo đã được triển khai như mô hình lớp học không biên giới. 

Tỉnh đã phối hợp với tỉnh Nam Định dạy học môn tiếng Anh cấp Tiểu học cho huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; các trường THCS, THPT tổ chức các lớp học không biên giới với các nước trên thế giới để tạo môi trường học tập ngoại ngữ và các lớp không biên giới giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh; mô hình trực tuyến ôn luyện ở cấp THPT, tổ chức dạy học online hiệu quả bằng các nền tảng như: K12 online, Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…; mô hình học tập sử dụng bài giảng E-Learning đã và đang được nhiều học sinh, sinh viên sử dụng. Đặc biệt, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu khai thác sách giáo khoa điện tử và các học liệu bổ trợ theo sách giáo khoa từ các trang: hoc10.vn, hanhtrangso.nxbgd.vn…. 

Để làm tốt công tác dạy và học trên các nền tảng số, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Viettel Yên Bái, VNPT Yên Bái và một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai các nền tảng dạy học như nền tảng K12-online của Viettel; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội cung cấp hơn 9.000 tài khoản đăng ký Cổng luyện thi tốt nghiệp THPT và 36.000 tài khoản Học liệu số thông minh cho học sinh. Hướng dẫn học sinh khai thác học liệu số từ các kho học liệu số trực tuyến của Bộ GD&ĐT và của một số doanh nghiệp cung cấp. 

Ngoài ra, giáo viên các trường đã tích cực tạo bài giảng E-learning, ngân hàng đề và các học liệu số khác để tổ chức các hoạt động dạy học, các bài giảng tương tác, trò chơi học tập, các bài tập cá nhân hóa và các phương pháp đánh giá định hướng học tập để tăng cường sự tương tác với học sinh, sinh viên. 

Nhiều cuộc thi trực tuyến đã được ngành phát động như: Tin học trẻ, Tiếng Anh, thi Toán trên Internet, Toán bằng Tiếng Anh trên Internet, Olympic iSTEAM… đã được học sinh tích cực tham gia. 

Thầy giáo Trần Việt Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Thời gian qua, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đưa công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) và thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) vào sử dụng trong việc giảng dạy đã tạo cho các em học sinh trải nghiệm học tập mới mẻ, sinh động, giúp học sinh có thể tương tác với nội dung học tập một cách thú vị và trực quan hơn”. 

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: "Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được đưa ra, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức về CĐS trong giáo dục; nêu cao vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện CĐS. Cùng với đó, Sở chỉ đạo việc tổ chức hiệu quả các câu lạc bộ CĐS ở các đơn vị trường học triển khai và nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo về CĐS của các cơ sở giáo dục".

"Ngành cũng xây dựng kho học liệu số trực tuyến riêng nhằm cung cấp cho giáo viên và học sinh, sinh viên hệ thống tài liệu, bài giảng đồng bộ; tiếp tục tăng cường triển khai việc khai thác, sử dụng kho học liệu số trên kho học liệu của tỉnh và của Bộ GD&ĐT; triển khai dạy học trực tuyến trong toàn ngành đảm bảo đến năm 2025 tỷ trọng nội dung Chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở cấp tiểu học, 10% ở cấp trung học; tiếp tục phát huy các mô hình dạy học trực tuyến”, ông Bằng nói. 

Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. 

Tiếp tục đầu tư hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong các cơ sở giáo dục còn thiếu; đặc biệt quan tâm đầu tư các phòng tin học, hệ thống hạ tầng mạng và thiết bị trình chiếu phục vụ giảng dạy. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Triển khai các lớp bồi dưỡng về CĐS, an toàn thông tin, sử dụng các phần mềm phục vụ triển khai các ứng dụng trong quản lý và dạy học. Ngành cũng sẽ triển khai áp dụng chữ ký số cho giáo viên trong xác thực điện tử trên phần mềm quản lý trường học ở các cơ sở giáo dục và tăng cường các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn bằng hình thức trực tuyến trong toàn ngành.

281 lượt xem