Là tỉnh thứ 4 trong toàn quốc đi đầu thực hiện “Phòng họp không giấy” năm 2019, đến nay việc chuyển đổi số đã hỗ trợ đắc lực cho đại biểu HĐND các cấp tỉnh Yên Bái đổi mới phương thức, hiệu quả hoạt động, để nghị quyết, chính sách luôn kịp thời đến được với dân và thực thi hiệu quả trong thực tế của cuộc sống.
Đại biểu HĐND tỉnh ứng dụng hiệu quả phòng họp không giấy tại các Kỳ họp HĐND
Từ “Phòng họp không giấy”
“Phòng họp không giấy” là một trong những dấu ấn đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương được Thường trực HĐND tỉnh triển khai từ Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII và đến nay đã được áp dụng rộng rãi đến HĐND cấp huyện, cấp xã.
Trước đây, mỗi lần họp HĐND, cán bộ văn thư lưu trữ văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phải mất cả tuần, có khi thức đến 2 - 3 giờ sáng để photocopy, đóng gói, vận chuyển tài liệu kỳ họp với những tập dày cộp nặng từ vài kilogam, thậm chí lên đến 10 - 15kg, các đại biểu sử dụng rất bất tiện. Thì từ năm 2019, khi Yên Bái là tỉnh thứ 4 trong toàn quốc áp dụng “Phòng họp không giấy”, tất cả tài liệu được gửi cho đại biểu bằng bản mềm qua tin nhắn SMS trước vài ngày, các đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu nên chất lượng thảo luận được nâng cao. Đồng thời, toàn bộ tài liệu phục vụ kỳ họp được hệ thống hóa trong ipad. Mỗi đại biểu sẽ sử dụng tài khoản riêng để truy cập tài liệu một cách dễ dàng, thuận tiện.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã tạo dấu ấn đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương; đáp ứng yêu cầu và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử cũng như hiện đại hóa nền hành chính nhà nước ở địa phương.
Từ hiệu quả rõ nét trong các kỳ họp HĐND tỉnh, việc ứng dụng phòng họp không giấy đã lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh khi năm 2022, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên là đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái đã ứng dụng họp không giấy trong kỳ họp HĐND. Ông Khổng Giang Lam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Mậu A cho biết: Từ năm 2022 đến nay, HĐND thị trấn tổ chức họp không giấy trong các kỳ họp. Với hình thức này, chất lượng kỳ họp được nâng lên rõ rệt. Điểm khác biệt so với tài liệu giấy là, trong thời gian kỳ họp đang diễn ra thì vẫn có thể cập nhật, bổ sung ngay các tài liệu liên quan để các đại biểu dự họp có thể tham khảo ngay mà không cần phải chờ đợi cung cấp các bản sao bằng giấy, qua đó chất lượng kỳ họp được nâng lên, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Đến tiếp xúc cử tri trực tuyến
Thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, khi người dân, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn lại càng đòi hỏi việc ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả. Việc ban hành chính sách đã được HĐND tỉnh nhanh chóng thực hiện, đó là các chính sách hỗ trợ kịp thời giúp các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Vậy làm thế nào để chủ trương chính sách đến được với cử tri và nhân dân để thực thi trong đời sống, nghe được những phản ánh, ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong điều kiện cách ly toàn xã hội?
Tại thời điểm đó, HĐND tỉnh đã lựa chọn hình hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến 5 đảm bảo là: an toàn, nhanh nhất, gọn nhất, tiết kiệm nhất và mở rộng nhất. Những hình ảnh được truyền trực tiếp từ điểm cầu tỉnh đến huyện và cấp xã đã giúp cử tri và nhân dân toàn tỉnh đây nắm được những thông tin về các kết quả, công tác chuẩn bị Kỳ họp và một số nội dung quan trọng trong các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ngành và các văn bản trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Đồng thời, tại mỗi điểm cầu, cử tri cũng được phát biểu nêu ý kiến, kiến nghị trực tiếp đến điểm cầu trung tâm để HĐND tỉnh lắng nghe, tiếp thu, giải trình với cử tri.
Hình thức họp trực tuyến đã thể hiện sự linh hoạt, phù hợp với thời điểm phòng chống dịch, tận dụng tối đa thành tựu của công nghệ hiện đại trong hoạt động của HĐND, song vẫn bảo đảm và duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ nội dung, chương trình hội nghị trực tuyến vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa tiết kiệm đáng kể chi phí và theo đúng tinh thần cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử mà Yên Bái đang thực hiện. Yên Bái cũng đã hoàn thành “mục tiêu kép” trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch hiệu quả.
Và truyền thông chính sách hiệu quả trên nền tảng số
Luôn năng động, đổi mới sáng tạo, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, HĐND tỉnh Yên Bái chú trọng công tác tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, kịp thời ban hành nghị quyết, chính sách phù hợp và khả thi, đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi nghị quyết, chính sách để kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi vướng mắc, bất cập xảy ra.
Một trong những hình thức truyền thông, giám sát hiệu quả được chú trọng thực hiện trong thời gian qua là truyền thông trên các nền tảng xã hội. Bên cạnh việc phát huy hiệu quả việc truyền thông chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống chính quyền và tại các hội nghị, truyền thông trực tiếp thì mạng xã hội thời gian gần đây đã đưa chính sách đến gần hơn với người dân.
Ngay sau khi bão cơn bão số 3 đi qua, Fanpage tích xanh của Cổng TTĐT tỉnh đăng nội dung thông báo: Kỳ họp thứ 19 (chuyên đề) - HĐND tỉnh khóa XIX dự kiến thông qua nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp và miễn học phí năm học 2024-2025. Ngay lập tức các trang Fanpage chính thống của tỉnh, hàng ngàn người dân quan tâm, bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng và chia sẻ, lan tỏa, đánh giá cao những quyết sách kịp thời của HĐND tỉnh hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và đời sống sau bão.
Ứng dụng công dân số YenBai-S tỉnh Yên Bái là một nền tảng tích hợp nhiều nội dung về dịch vụ công, tiện ích phục vụ đời sống và những thông tin chính thống của tỉnh. Với hơn 300 nghìn tài khoản người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng ứng dụng, mỗi khi có thông báo về chính sách người dân được tiếp cận, tra cứu rất nhanh, đồng thời nếu có vướng mắc trong thực thi, cử tri và nhân dân có thể gửi thông tin đến chính quyền qua mục phản ánh - góp ý để được giải đáp. Chính vì thế khi có những thông báo về chính sách HĐND tỉnh ban hành, ngay lập tức người dân đã có thể nhận được đầy đủ thông tin về đối tượng áp dụng, điều kiện, thủ tục... để sớm chuẩn bị nếu mình được hưởng chính sách.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều hình thức truyền thông chính sách hiệu quả được HĐND tỉnh chỉ đạo, bởi còn rất nhiều những nhóm Zalo OA, Zalo cộng đồng của tổ dân phố, trường học, phụ huynh học sinh; những Fapage chính thống; kênh Youtube và mới nhất là kênh Tictok thường xuyên đăng tải, chia sẻ nội dung, hướng dẫn thực thi chính sách... đã khiến chính sách gần với đời sống hơn, đại biểu dân cử gần dân hơn và lắng nghe, tương tác 2 chiều giữa việc ban hành và thực thi chính sách.
Những ứng dụng chuyển đổi số đã góp phần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, góp phần khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Cử tri và Nhân dân.
31 lượt xem