Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tình hình theo dõi thi hành pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Yên Bái

30/09/2019 16:40:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Những năm qua, việc ban hành văn bản thi hành pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thực hiện và thường xuyên rà soát các Luật, Nghị định, Thông tư mới để ban hành văn bản quy định chi tiết kịp thời, đầy đủ hơn; công tác tham mưu văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn đạt ra trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của tổ chức, cá nhân trong năm 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm so với năm trước

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương chủ yếu là các chỉ thị, quyết định, công văn… để triển khai thực hiện sau khi văn bản của Trung ương có hiệu lực, đảm bảo kịp thời, có hiệu quả, góp phần đưa văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể: Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao kế hoạch hỗ trợ kinh phí phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ rừng cấp bách năm 2016; Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2016; Quyết định số 1543/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán sửa chữa, cải tạo các công trình xây dựng phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Quyết định số 2820/QĐ-UBND ngày 15/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự toán chi tiết kinh phí hỗ trợ phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ rừng cấp bách năm 2016 tỉnh Yên Bái thuộc dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2015-2020; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu năm 2017; Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 27/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 107-CTr/TU ngày 26/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.Nhìn chung các văn bản cơ bản được ban hành kịp thời, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản còn có một số văn bản ban hành chậm tiến độ theo chương trình đã đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do có sự thay đổi căn cứ pháp lý do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành hoặc đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái được ban hành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Văn bản quy định chi tiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu cụ thể hóa một số chính sách trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương đã quy định. Trình tự, thủ tục và thể thức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chặt chẽ, do đó đã hạn chế sai sót về nội dung, hình thức của văn bản.

Công tác tập huấn về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phát triển rừng được quan tâm, chú trọng thực hiện theo nội dung, hình thức, thời gian và chương trình cơ bản phù hợp, góp phần tuyên truyền rộng rãi những quy định pháp luật mới, phù hợp với từng đối tượng tham gia, đồng thời nâng cao sự hiểu biết của người dân về pháp luật, giáo dục và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ngành nông nghiệp quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời và hiệu quả với nhiều nội dung, hình thức phong phú, từng bước đổi mới phù hợp với trình độ, nhận thức của từng nhóm đối tượng được tuyên truyền, qua đó ý thức của người dân trong việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã bố trí đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện công tác cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Tình hình tuân thủ chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền tuân thủ quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kịp thời, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Cụ thể, mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng hướng giảm về cả số vụ lẫn số đối tượng vi phạm. Số vụ vi phạm chủ yếu về lĩnh vực kiểm lâm (số liệu từ 01/01/2017 đến 30/6/2018): vận chuyển lâm sản trái phép 143 vụ; mua bán, cất giữ lâm sản 84 vụ; khai thác rừng trái phép 15 vụ; vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy rừng 3 vụ; phá rừng trái pháp luật 23 vụ; lấn chiếm làm nương rẫy 59 vụ; vi phạm khác 20 vụ. Tổng số tiền xử phạt hành chính 674 triệu đồng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cũng đã tiếp nhận xử lý 03 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đơn thư được xử lý cơ bản đảm bảo thời gian, đúng thẩm quyền; các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được chú trọng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ; quá trình giải quyết đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Qua theo dõi tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của tổ chức, cá nhân trong năm 2017, 2018 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm so với năm trước, tuy nhiên thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Nguyên nhân do ý thức tuân thủ pháp luật của một số người dân còn hạn chế. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn kéo dài, chưa trừng trị được kẻ chủ mưu tổ chức và xúi giục người khác vi phạm pháp luật nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm, do đó dẫn tới một số kẻ phá rừng có biểu hiện coi thường pháp luật, thách thức cơ quan công quyền và tiếp tục chống người thi hành công vụ. Mặt khác, tỉnh Yên Bái chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện tại trong bối cảnh chung của bộ máy hành chính (chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế) nên cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh còn mỏng, chủ yếu làm kiêm nhiệm.

Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó quan tâm thay đổi cách thức thực hiện một số nội dung đầu tư, các chính sách trên cùng một đối tượng để tránh chồng chéo, trùng lặp; điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện mới; đồng thời tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chiều sâu, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi giúp công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai ngày một thiết thực, hiệu quả./.

Ban Biên tập