Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào, phát triển KT-XH vùng DTTS

12/05/2020 10:46:00 Xem cỡ chữ
Trong những năm qua, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giúp thúc đẩy phát triển cơ sở vật chất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Người dân xã An Lương, huyện Văn Chấn thu hoạch quế.

Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nằm trên đỉnh Khau Phạ, một trong “tứ đại đỉnh đèo”, cao gần 2.000m so với mực nước biển. Trước đây, La Pán Tẩn từng được coi là thủ phủ trồng cây thuốc phiện, cuộc sống người dân chỉ sản xuất tự cung tự cấp. Nhưng những năm gần đây nhờ sự đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc, cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi, đường bê tông vào đến tận bản; trạm xá, trường học, trụ sở, nhà cộng đồng đều được xây mới khang trang, người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, từ sự đầu tư hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, bà con đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất với quy mô lớn như: Chăn nuôi dê, trâu, lợn và trồng lúa, ngô, sơn tra, thảo quả để đưa ra thị trường. Năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo toàn xã đạt 11%, tương đương 104 hộ thoát nghèo, vượt 3% theo kế hoạch; thu nhập bình quân của người dân đạt 15 triệu đồng/người/năm. Năm 2020 xã phấn đấu giảm 10% hộ nghèo.

Còn tại huyện Trạm Tấu, đời sống của người dân cũng đang ngày càng phát triển nhờ các chính sách đầu tư hỗ trợ đối với vùng DTTS. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, giao thông đi lại thuận tiện đến các thôn, bản; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất; các cơ sở trường học, trạm y tế, đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Bà con Nhân dân còn được hỗ trợ vốn sản xuất, được tập huấn nâng cao kiến thức về tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT), được hỗ trợ giống, phân bón, cây, con giống, công cụ hỗ trợ sản xuất đã giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo.

Theo số liệu thống kê của huyện Trạm Tấu, từ năm 2014 - 2019, từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 135, địa phương được hỗ trợ với tổng mức đầu tư hơn 177 tỷ đồng. Riêng kinh phí đầu tư từ Chương trình 135 trên địa bàn huyện đạt hơn 75 tỷ đồng, đầu tư mới xây dựng 70 công trình đường giao thông, thủy lợi, cầu, trường học… Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK), kinh phí hơn 20 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 12.000 lượt hộ nghèo và trên 66.000 lượt khẩu nghèo về mua sắm máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…

Ông Giàng A Chang, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu cho biết: Những năm gần đây, đời sống của người dân đã dần thay đổi. Bà con vùng DTTS được tiếp cận KH-KT để áp dụng vào phát triển kinh tế hộ, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Theo ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, nhờ sự đầu tư hỗ trợ của các chính sách dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào, phát triển KT-XH vùng DTTS. Việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện tốt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH vùng DTTS và miền núi phát triển nhanh, bền vững, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

 

Ban Biên tập