Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái phát huy nội lực giảm nghèo

15/11/2016 01:10:00 Xem cỡ chữ
Nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế vươn lên trong cuộc sống, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,2% vào năm 2015 (theo tiêu chí mới là 32,5%).

Nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề, có việc làm tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Là cơ quan thường trực trong công tác xóa giảm nghèo của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã thực hiện tốt việc tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giảm nghèo với mục tiêu giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo/năm; chủ động phối hợp với các ngành thành viên và UBND các huyện, thị xã, thành phố phân bổ các nguồn lực hỗ trợ trong công tác giảm nghèo trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức rà soát các chính sách giảm nghèo hiện có và đề xuất các chính sách mới dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn... Chỉ tính riêng năm 2015, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh gần 2.900 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 800 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 54 tỷ đồng, vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.900 tỷ đồng; các nguồn vốn huy động khác gần 140 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ngoài chính sách mà trung ương đã ban hành như: chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản vùng đặc biệt khó khăn, vùng sản xuất hàng hoá; hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đối với tất cả các thôn vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh ngoài các huyện nghèo.

Từ các chính sách hỗ trợ cụ thể trong công tác giảm nghèo, nên năm 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 14.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 45%; giải quyết việc làm cho trên 19.500 lao động; cấp phát gần 490.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội... Ngoài ra, các hộ nghèo còn được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền điện, tiền nước sạch sinh hoạt và đất sản xuất.

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: thông qua việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là địa bàn vùng cao, vùng sâu, xùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4 - 5%/năm.

Riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ lệ hộ nghèo giảm 8 – 9% (theo tiêu chí cũ), góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo. Đặc biệt, tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã có những hộ viết đơn xin thoát nghèo để phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế, là những tấm gương sáng trong công tác xoá đói, giảm nghèo tại địa phương.

Thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm, song chưa bền vững và có nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo còn tập trung nhiều ở vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo  chỉ mang tính hỗ trợ trực tiếp cho người dân (chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở) trong khi các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề).

Giai đoạn 2016 – 2020, chuẩn nghèo được điều chỉnh theo hướng xác định đa chiều, ngoài đánh giá về thu nhập còn đánh giá về mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản về: giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin.

Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 32%. Mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái là giảm bình quân 3,5% hộ nghèo/năm; riêng năm 2016, giảm 4% cao hơn gấp 2 lần mức bình quân chung của cả nước.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Ngô Thanh Giang cho rằng: cấp ủy, chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình hành động giảm nghèo cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho hộ nghèo để khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo; triển khai lồng ghép các chương trình giảm nghèo gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; huy động tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo gắn với việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm túc việc điều tra, thống kê chính xác tỷ lệ hộ nghèo, nguyên nhân nghèo của từng hộ để có giải pháp cụ thể để giúp từng hộ gia đình thoát nghèo.

 

Theo Báo Yên Bái