Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hiệu quả triển khai các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

26/10/2020 15:25:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; mức sống dân cư được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung chính sách, tiến độ và đạt mục tiêu của Chương trình đề ra.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc xây dựng và triển khai các chính sách, chế độ liên quan đến công tác giảm nghèo; huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đồng thời tạo được sự phối hợp khá tốt từ phía các ngành thành viên; xây dựng cơ chế phân cấp quản lý, quy trình lập kế hoạch, phân bổ và giao kế hoạch kịp thời, hợp lý. Việc chỉ đạo, điều hành cua Ban chỉ đạo các cấp trong công tác giảm nghèo thường xuyên được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả và hệ thống, do đó chỉ tiêu vê giảm nghèo của tỉnh đêu đạt hoặc vượt ke hoạch đề ra; các dự án giảm nghèo đảm bảo tiến độ và đạt kết quả tốt.

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm 5 dự án.

Dự án 1: Chương trình 30a hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020, gồm 3 tiểu dự án. Các tiểu dự án trên cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thời gian triển khai theo kế hoạch.

Triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, đã đầu tư là 125 công trình, trong đó: đầu tư xây dựng mới 60 công trình, bao gồm: 23 công trình giao thông, 29 công trình thủy lợi, 03 công trình nước sinh hoạt và 04 công trình trường học. 30 công trình chuyển tiếp, gồm: 10 công trình giao thông, 11 công trình thủy lợi, 9 công trình khác. Công trình duy tu bảo dưỡng, gồm: 04 công trình giao thông, 25 công trình thủy lợi, 6 công trình khác.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo: đã hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, diện tích được hỗ trợ mỗi năm của hai huyện là 47.193,81 ha (trong đó, diện tích rừng được giao khoán và bảo vệ của huyện Trạm Tấu 33.151 ha, huyện Mù Cang Chải là 14.042,81 ha) với 34.989 lượt hộ được hỗ trợ. Hỗ trợ 29.625 liều vắc xin tiêm phòng cho gia súc của 10.546 lượt hộ, hỗ trợ 218 máy cày bừa; hỗ trợ giống ngô, lúa và phân bón cho việc chuyển đổi giống cấy trông.

Thực hiện hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ và tuyên truyền viên làm công tác xuất khẩu lao động thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã mở 57 lớp nâng cao năng lực cho 2.158 lượt cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động cấp xã, thôn bản; hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn cho 54 học viên. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn cấp huyện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa tuyên truyền lưu động, mở các chuyên mục về XKLĐ và cấp xã mở các hội nghị tư vấn tại các xã, thị trấn. Hỗ trợ và đưa 109 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, 56 lao động lao động/gia đình người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi về nước.

Dự án 2: Chương trình 135, gồm 3 tiểu dự án.

Triển khai thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, thôn ĐBKK: Tổng số công trình thực hiện đến 31/12/2019 là 868 công trình, trong đó: Công trình đầu tư mới là 460 công trình gồm: 325 công trình giao thông; 55 công trình thủy lợi; 03 công trình nước sinh hoạt; 06 công trình trường học; 01 công trình trạm y tế; 62 công trình nhà văn hóa; 05 công trình điện nông thôn và 03 công trình thuộc các lĩnh vực khác. 293 công trình chuyển tiếp, gồm: 202 công trình giao thông; 55 công trình thủy lợi; 03 công trình nước sinh hoạt; 03 công trình trường học; 27 công trình nhà văn hóa; 01 công trình điện nông thôn và 02 công trình thuộc các lĩnh vực khác. Duy tu bảo dưỡng 115 công trình gồm: 58 công trình giao thông; 09 công trình thủy lợi; 03 công trình nước sinh hoạt; 13 công trình trường học; 05 công trình trạm y tế; 06 công trình nhà văn hóa; 03 công trình chợ và 18 công trình thuộc các lĩnh vực khác. Năm 2020 sẽ thực hiện xây dựng 146 công trình, trong đó đầu tư mới 52 công trình, 70 công trình chuyển tiếp và duy tu bảo dưỡng 24 công trình.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã; thôn, bản đặc biệt khó khăn: Đã hỗ trợ triển khai thực hiện 635 dự án phát triển sản xuất và 15 mô hình giảm nghèo cho 18.244 hộ tham gia với 90.545 người. Đã thực hiện hỗ trợ 268.616 giống vật nuôi cho 11.710 lượt hộ (trong đó: Đại gia súc 2.925 con, gia súc 8.020 con, gia cầm 257.671 con); hỗ trợ 6.656 ha giống cây lương thực cho 22.232 lượt hộ; hỗ trợ 1.062 ha giống cây công nghiệp, lâm nghiệp cho 1.291 lượt hộ; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi cho 1.056 hộ; hỗ trợ 2.516 máy móc cho 2.795 hộ; hỗ trợ phân bón cho 9.475 lượt hộ. Ngoài ra, còn hỗ trợ các hộ giống cỏ trồng chăn nuôi, giống cây ăn quả, các mô hình phát triển sản xuất.

Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn; thôn, bản đặc biệt khó khăn: Đã tổ chức 94 lớp tập huấn cho 3.911 người, kinh phí 13.480 triệu, trong đó: Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở 10 lóp cho 539 người; nâng cao năng lực cho cọng đong là 84 lớp với 3.372 người tham gia. Tổ chức 04 chuyến tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho 127 người là cán bộ làm công tác giảm nghèo ở địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh Miền trung, Tây nguyên, Tây băc, kinh phi 1.295 triệu đồng.

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135: Đã hỗ trợ 171 dự án phát triển sản xuất với trên 1.025 mô hình gôm: 525 mô hình chăn nuôi dê sinh sản; lợn sinh sản; hô trợ giống cây con, phân bón để phát triển sản xuất và 500 mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản, chế biến nông sản. Đã có trên 1.641 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 946 người tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất và hàng nghìn lao động tham sản xuất, tạo thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đôi khí hậu.

Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

Xây dựng, nâng cấp chuyên trang về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Đã xây dựng, biên tập, phát sóng đăng tải: 475 tin, bài, phóng sự, video clip, ảnh; cập nhạt 350 trang văn bản chính sách về giảm nghèo trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, Tạp chí Lao động xã hội; tổ chức biên soạn, phát hành 2.049 cuốn tài liệu hệ thống chính sách và sổ tay dành cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; 6.544 sách mỏng, 52.728 tờ rời về chính sách giảm nghèo cấp phát cho cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền về công tác giảm nghèo.

Ngoài ra các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh về công tác giảm nghèo thông qua hệ thống Đài Truyền thanh và Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã và các hoạt động truyền thông khác tại cấp cơ sở.

Tổ chức 02 lớp tập huấn phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững; bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về viết tin, bài về công tác giảm nghèo; tổ chức sản xuất chương trình và vận hành trang thiết bị tác nghiệp phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cho 167 cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cấp phát các phương tiện nghe, xem cho 956 hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các bộ thiết bị phục vụ cho việc tuyên truyền, cổ động tại 8 xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra còn tổ chức tiếp nhận từ Bộ Thông tin và Truyền thông 01 bộ Phương tiện tác nghiệp thông tin, truyền thông để bàn giao cho Đội Thông tin lưu động huyện Trạm Tấu; tiếp nhận 50 bộ thiết bị nghe xem để bàn giao cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình:

Đã tổ chức 29 lớp tập huấn cho 2.546 học viên là cán bộ làm công tác giảm nghèo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thông qua các khóa tập huấn nâng cao năng lực về giảm nghèo đã giúp đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo có thêm kiến thức, kỹ năng quản lý để tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả tốt hơn.

Trong khuôn khổ Dự án, hàng năm Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đều tổ chức các Đoàn giám sát việc thực hiện chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo tại 9/9 huyện thị xã, thành phố và xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các huyện, thị xã thành phố.

Qua các hoạt động giám sát đã nắm bắt, đánh giá được tình hình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo ở địa phương; mức độ bao phủ của chính sách đến với người nghèo, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất thông qua ý kiến đóng góp của người nghèo để giải quyết chính sách kịp thời. Đồng thời góp phần tuyên truyền phổ biến các chính sách, dự án đến với người dân, đặc biệt là người nghèo.

Với những kết quả đạt được trong thực hiện các dự án của Chương trình, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ năm 2016 - 2019 giảm 20.65 %, từ 32,21% (đầu năm 2016) xuống còn 11,56% (cuối năm 2019), bình quân mỗi năm giảm 5,16 %, đạt 147,42% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; giảm gấp 3,44 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Năm 2020 kế hoạch giảm 4%, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,56%

Tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải trong 4 năm giảm 33,3%, từ 75,12% (đầu năm 2016) xuống còn 41,82% (vào cuối năm 2019), bình quân mỗi năm giảm 8,32%, đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Năm 2020 giảm trên 6,5%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 huyện 30a còn dưới 35,32%.

Từ năm 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh giảm từ 50,41% xuống còn 19,59%, bình quân giảm 6,16%/năm, gấp 2,05 lần so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 60,76% xuống còn 25,92%, giảm bình quân giảm 6,97 %/năm, gấp 1,74 lần so với mục tiêu đề ra.

Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.