Nhiều năm trước, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) có trên 7% hộ nghèo nhưng hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 5,64% (theo chuẩn mới); thu nhập bình quân đạt trên 11 triệu đồng/người/năm... Đó là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã có phần được cải thiện, diện mạo của xã đang từng bước thay đổi.
Dẫn chúng tôi thăm quan một vòng khu chăn nuôi lợn rộng hàng trăm mét vuông, 1.500 mét vuông diện tích mặt nước... mà bao năm cần cù chịu khó mới có được, chị Nguyễn Thị Thanh Hải ở thôn 7 - một trong những hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, vươn lên thoát nghèo, chia sẻ: "Những năm trước, gia đình thuộc diện khó khăn gần như nhất nhì của thôn. Hai vợ chồng làm đủ mọi công việc nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 1998, từ chương trình vay vốn PO2 (Dự án của phụ nữ giúp người nghèo), tôi được vay một triệu đồng. Mạnh dạn đầu tư máy xay xát gạo, cám, dành dụm ít vốn, tôi bắt đầu chuyển sang chăn nuôi lợn, đào ao thả cá. Đến nay, đàn lợn của gia đình có trên 100 con, vừa rồi xuất chuồng 50 con thu về khoảng 200 triệu đồng. Từ ao cá, đồi rừng, chăn nuôi lợn, mỗi năm gia đình thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng. Hiện gia đình đã trả hết nợ, xây được nhà kiên cố".
Giống gia đình chị Hải, gia đình chị Lê Thị Lan cũng được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Hiện tại, hàng tháng thu nhập trên 6 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định.
Để giúp các hộ dân vươn lên, trong những năm qua, xã Việt Thành đã thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo như: tư vấn kiến thức làm ăn, đào tạo nghề giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi…
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Tuy là một xã thuần nông nhưng đất sản xuất nông nghiệp khá khiêm tốn, trong khi đó các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh chưa phát triển. Do đó, xã luôn xác định lấy kinh tế nông lâm nghiệp làm chủ đạo trong phát triển kinh tế của địa phương. Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, xã đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất".
Cùng với đó, phong trào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, việc gieo trồng cũng được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kịp thời vụ.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, xã đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, cán bộ sâu sát nhân dân nắm bắt đặc điểm, tình hình từ đó phân loại hộ nghèo để có những giải pháp hỗ trợ thiết thực. Hơn thế, thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội cho người nghèo và các đối tượng khác, như: hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và tổ chức tín dụng tập trung giải ngân sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2012, tổng dư nợ xã đạt 5.564 triệu đồng. Việt Thành đã xóa được nhiều nhà dột nát. Từ Chương trình 167, có 14 hộ được hỗ trợ xóa nhà ở dột nát, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Để đến hết năm nay giảm 20 hộ nghèo như mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ xã đã giao cho các đoàn thể, đảng viên hỗ trợ giúp đỡ về ngày công lao động, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động các hộ nghèo tham gia các lớp tập huấn với nội dung sát thực tiễn, định hướng cho các hộ nghèo sử dụng hỗ trợ có hiệu quả...
Trong thời gian tới, Việt Thành sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức tự phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, giới thiệu các mô hình làm ăn có hiệu quả để người dân học tập làm theo góp phần thoát nghèo, đồng thời xã tiếp tục đẩy mạnh giúp vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để các hộ nghèo có hướng thoát nghèo; tập trung tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội từ nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng như các chính sách trợ giúp về khám chữa bệnh, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội...