Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận các giải pháp xoá đói giảm nghèo, coi đây là ưu tiên hàng đầu đối với vùng Tây Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền, hiện nhiều nguồn lực và chính sách được dành cho xoá đói, giảm nghèo ở Tây Bắc.
Cụ thể, năm 2012, các nguồn lực cho chương trình 30a của cả nước là 2.464 tỷ đồng, khu vực Tây Bắc 1.207 tỷ đồng, chiếm 50,3%. Bên cạnh đó là các chính sách như khám chữa bệnh, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề theo Đề án 1956, hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, các gói tín dụng ưu đãi… Ngoài ra, còn có khoản kinh phí hơn 53.000 tỷ đồng được giải ngân cho các gia đình vay vốn phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa phương.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, các chính sách hiện nay cần tập trung cho vay với hộ gia đình mới thoát nghèo để không tái nghèo.
Đối với các huyện nghèo thuộc chương trình 30a, Nhà nước thường cho các hộ gia đình vay tiền để sản xuất với mức lãi suất 0%/năm nhưng để nâng cao hiệu quả tiền cho vay, qua khảo sát thực tế tại địa phương của nhiều cơ quan chức năng cho rằng cần áp dụng một mức lãi suất nhỏ để khuyến khích sự chủ động, nỗ lực vươn lên của bà con trong sản xuất thoát nghèo, hạn chế tư tưởng ỷ lại trong một bộ phận nhỏ hiện nay.
Về số tiền hơn 400 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ các địa phương thuộc vùng Tây Bắc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc (tháng 3/2013), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại mong muốn các tỉnh, huyện có chương trình, dự án đầu tư cụ thể để sử dụng số tiền tài trợ của các ngân hàng thương mại cho các huyện nghèo, tránh hiện tượng đưa tiền một cục cho địa phương để xảy ra thất thoát trong quá trình hỗ trợ.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng công cuộc giảm nghèo bền vững phải thực hiện kiên trì với nhiều giải pháp tổng hợp, khuyến khích người dân tự vươn lên, đồng thời, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cũng phải quan tâm đến dạy nghề gắn với tạo việc làm và sản xuất của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cần cụ thể hoá mục tiêu của chương trình vào các chỉ tiêu phát triển KT-XH của từng tỉnh; lồng ghép các mô hình giảm nghèo với chương trình nông thôn mới; các cấp chính quyền cần chỉ đạo đánh giá rà soát hộ nghèo trong năm…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác xoá đói giảm nghèo đối với toàn vùng Tây Bắc và miền Tây hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An phải là nhiệm vụ hàng đầu của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong vùng.
Theo đó, cần các giải pháp cụ thể như nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng để phát triển vùng Tây Bắc, tìm kiếm các lợi thế so sánh của mỗi địa phương và sự liên kết vùng để tìm đầu ra cho các sản phẩm, giúp bà con sớm thoát nghèo, đồng thời, nêu cao tinh thần tự lực tự cường của người dân Tây Bắc trong phát triển kinh tế-xã hội và thoát nghèo của chính mình.