Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giảm nghèo ở Động Quan

05/10/2023 10:20:00 Xem cỡ chữ
Những năm gần đây, nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là tập trung chỉ đạo nhân dân trồng rừng sản xuất và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo nên bộ mặt nông thôn ở xã Động Quan (Lục Yên) đã có sự đổi thay rõ nét, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh được Tỉnh ủy giao phụ trách, giúp đỡ xã Động Quan. Thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên có nhiều hoạt động cùng dân và hỗ trợ lợn giống và thức ăn gia súc cho nhiều hộ nghèo trong xã.

Đồng chí Hoàng Văn Đình - Chủ tịch UBND xã Động Quan cho biết: "Toàn xã có 13 thôn, trong đó 6 thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 1.620 hộ, 7.273 nhân khẩu; dân tộc Dao chiếm gần 60%. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp”. 

"Năm 2023, xã đề ra mục tiêu giảm hộ nghèo toàn xã từ 15,68% xuống còn 6,8%; hộ cận nghèo từ 16,36% xuống còn 9,9%. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã đã huy động tối đa các nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, đặc biệt là phát huy nội lực của nhân dân để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; đồng thời cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo gắn với phân công trách nhiệm các ban, ngành, thôn và cán bộ, công chức xã”, ông Đình nói.

Theo đó, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch lãnh đạo công tác giảm nghèo, giao UBND xã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể tổ chức triển khai bằng các giải pháp, biện pháp đối với từng hộ gia đình, có lộ tình thời gian và công việc cụ thể.

Đồng thời giao Thường trực HĐND cùng MTTQ, các đoàn thể giám sát thường xuyên công tác giảm nghèo; phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế; hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng chính sách xã hội; đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương và các nguồn vốn, chương trình hợp pháp khác...

Vừa thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, gia đình chị Mai Thị Thắm ở thôn 10 rất vui mừng khi thời qua luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Hội Phụ nữ xã đặc biệt quan tâm. "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, nhưng khi được vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình đã tập trung phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Ngoài ra, tôi được tham gia tập huấn lồng ghép các chương trình tín dụng với chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất...nên cuộc sống của gia đình ngày càng khá hơn”, chị cho biết. 

Chị Lương Thị Minh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Động Quan chia sẻ: "Năm 2023, Hội được giao phân công phụ trách giúp đỡ 4 hộ thoát nghèo. Với quyết tâm "không để ai bỏ lại phía sau”, Hội đã tích cực tuyên truyền hội viên chung tay giúp đỡ các hộ hội viên nghèo, hội viên cận nghèo. Một tháng 2 đến 3 lần, chúng tôi chủ động đến từng hộ để tìm hiểu lý do dẫn đến nghèo, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, để có lộ trình, giải pháp giúp các hội viên thoát nghèo. Theo đó, hộ thì được hỗ trợ mua máy móc nông cụ; hộ thì được hỗ trợ lợn giống, hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội...Với cách làm như vậy, đến nay chỉ tiêu giúp đỡ hội viên thoát nghèo trong năm của Hội cơ bản đã hoàn thành”.

Là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng, lợi thế trong phát triển rừng kinh tế, hàng năm, thông qua các tổ chức như: hội nông dân, phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, UBND xã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay hàng chục tỷ đồng vốn tín dụng chính sách giúp hàng trăm hộ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nếu như trước đây, hộ ông Nguyễn Văn Bành, thôn 3 nhiều khó khăn thì đến nay ông không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá trong xã. "Trước đây nhà có đất, nhưng không có vốn, thiếu kinh nghiệm trong trồng rừng. Thông qua Hội Nông dân xã, tôi được vay gần 100 triệu đồng vốn chính sách và được tập huấn kiến thức mới trong sản xuất, gia đình đã tập trung đầu tư trồng gần 5 ha rừng, kết hợp chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, mỗi năm thu nhập từ 50- 70 triệu đồng”, ông Bành chia sẻ.

Với vai trò cầu nối giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiều hộ ở Động Quan đã tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ, tín dụng phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đặc biệt, thông qua các hội ủy thác, người nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt trên 45 tỷ đồng (trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ 12,5 tỷ, Hội Nông dân 12,2 tỷ, Đoàn thanh niên 12,5 tỷ và Hội Cựu chiến binh 7,8 tỷ).

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Đình cho biết thêm: "Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay 13/13 thôn của Động Quan đều trồng rừng với tổng diện tích trên 2.500 ha, tập trung nhiều ở các thôn 6, 10, 11, 12 và thôn 13…với giống cây trồng chủ yếu là keo, bồ đề và quế, mỗi năm khai thác khoảng 240 ha, thu về từ 28 - 30 tỷ đồng”.

Với các giải pháp đồng bộ, triển khai hỗ trợ bằng các nguồn lực đầu tư, tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế thông qua các chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2023-2025 của tỉnh và các cơ quan, đoàn thể đỡ đầu phụ trách xã, hàng năm có trăm hộ nghèo và cận nghèo ở Động Quan được hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất hàng hóa, chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, dạy nghề ...để nỗ lực vươn lên thoát nghèo không trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước.

Theo đánh giá sơ bộ, từ đầu năm đến nay, số hộ nghèo toàn xã đã giảm từ 15,68% xuống còn 8,88% và hộ cận nghèo từ 16,36 xuống còn  6,48%.

Theo Báo Yên Bái