Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hồng Ca nỗ lực giảm nghèo bền vững

25/09/2024 10:00:00 Xem cỡ chữ
Cách trung tâm huyện Trấn Yên 40 km, xã Hồng Ca hiện có gần 1.500 hộ với trên 6.200 nhân khẩu, trong đó gần 90% là đồng bảo dân tộc thiểu số. Nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, những năm qua, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết hợp với các dự án, chương trình một cách kịp thời, đúng đối tượng.

Thông qua các buổi họp thôn, các hộ dân đăng ký các mô hình hỗ trợ thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững

Gia đình bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca là một trong những hộ nghèo của xã. Cuối năm 2022, sau khi tham khảo mô hình trồng dâu nuôi tằm, ông bà đã chuyển đổi 5 sào đất nông nghiệp kém hiệu quả của gia đình và thuê thêm 7 sào đất soi bãi sang trồng dâu nuôi tằm. Ông bà được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây dâu, chăn nuôi tằm theo phương pháp mới, như: cách phòng bệnh cho tằm, nuôi tằm trên nền nhà, sử dụng né ô vuông thay cho né tre truyền thống; làm tốt việc xử lý vệ sinh… Năm 2023, gia đình bà và 3 hộ khác thành lập nhóm chăn nuôi, được Ban quản lý của xã lập dự án từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ gia đình bà cây dâu giống để mở rộng diện tích, phân bón, né ô vuông, con giống, khoa học kỹ thuật. Đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Chanh có 2,5 mẫu dâu. Năm 2023, từ trồng dâu, nuôi tằm gia đình đã thu về gần 70 triệu đồng và dự kiến năm 2024, bà Chanh thu về 100 triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm. Có nguồn thu ổn định, gia đình bà Chanh đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca cho biết: “Tôi không nghỉ đến tuổi này, gia đình tôi lại thoát được hộ nghèo, tất cả nhờ vào trồng dâu nuôi tằm. Quá trình trồng dâu nuôi tằm, tôi được hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tôi nghĩ, ai cũng có thể trồng dâu nuôi tằm để thoát nghèo bền vững như gia đình nhà tôi”.

Thấu hiểu cuộc sống vất vả, am hiểu phong tục văn hóa và sẵn có kiến thức về thêu thùa, may mặc của người Mông, cuối năm 2022 vợ chồng chị Vừ Thị Và ở thôn Hồng Lâu xã Hồng Ca đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Trấn Yên để mở xưởng may trang phục người Mông. Chị Vừ Thị Và, thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca chia sẻ: “Nhờ áp dụng công nghệ thông tin trong may, bán hàng, đã giúp sản phẩm của vợ chồng tôi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Không những làm giàu cho gia đình mà tôi còn giải quyết việc làm thường xuyên và truyền nghề cho từ 4 - 12 thanh niên địa phương”.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Hồng Ca đã lồng ghép với các chương trình, dự án, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Hồng Ca rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện để xác định những chính sách phù hợp, từ đó đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Ông Tráng A Sai - Chủ tịch MTTQ xã Hồng Ca cho biết: “Để chung tay giúp vì người nghèo. Một mặt, MTTQ và các đoàn thể đã trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, mặt khác chúng tôi trực tiếp tham gia góp ý kiến, giám sát các chương trình, dự án để đạt hiệu quả cao nhất”.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đến được với người dân kịp thời, đầy đủ, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để sớm thoát nghèo, chung tay xây dựng NTM. Tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, các chương trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, dân số, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Bên cạnh đó, Hồng Ca còn lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án khác, như: Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới; vốn ngân sách huyện… Từ các chương trình, dự án trên đã giúp người dân xã Hồng Ca hình thành được vùng quế tập trung 2.550ha, vùng tre Bát Độ 1.300ha, vùng trồng dâu nuôi tằm 18ha, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một khởi sắc, số hộ khá giàu ngày một tăng, hộ nghèo giảm bền vững. Hết năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn xã còn 85 hộ, chiếm tỷ lệ 5,72%. Số hộ cận nghèo còn lại 140 hộ, chiếm tỷ lệ 9,43%.

Phấn khởi trước sự đổi thay của địa phương, chị Tráng Thị Nhà - thôn Khuôn Bổ xã Hồng Ca cho biết: “Người dân chúng tôi được hưởng thụ rất nhiều từ các Chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, như: Điện, đường, trường, trạm, đến các mô hình phát triển kinh tế. Trước sự quan tâm đó, chúng tôi phải tự ý thức vươn lên. Giờ đây, đời sống của người dân đã thay đổi nhiều, cả về vật chất và tinh thần, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm bền vững theo từng năm”.

Việc tập trung đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận được các chính sách. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo nền tảng để người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm nghèo trong năm 2024 và cả giai đoạn, Hồng Ca tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý thức vươn lên tự lập trong cuộc sống. Việc họp xét đưa vào diện hộ nghèo phải chính xác, khách quan. Có kế hoạch khảo sát độ tuổi lao động và lao động hằng năm của các hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm và bảo lãnh cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Xã sẽ tăng cường công tác khuyến nông, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm làm kinh tế để các hộ có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo, cận nghèo... và mục tiêu năm 2024, Hồng Ca phấn đấu giảm còn 2,56% hộ nghèo, 5,37% hộ cận nghèo.

Ông Hà Thanh Chương - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Để giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các Chương trình, dự án khác trên địa bàn. Tâp trung vào việc nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, phát triển bền vững những cây, con có thế mạnh của địa phương, như: tre Bát Độ, quế, trồng dâu nuôi tằm; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ…”.

Hồng Ca đang dần đổi mới, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bà con trong xã, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tất cả nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Những thay đổi trên mang lại sức sống mới trên quê hương Hồng Ca, tạo niềm tin vững chắc của người dân đối với Đảng, từng bước xoá dần khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, giữa vùng thấp và vùng cao.

Ban Biên tập