Trong 2 năm 2011 – 2012, các cấp Hội vận động phụ nữ tham gia xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Đến nay, có 14.710 hội viên đăng ký giúp 9.489 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và 1.213 hội phụ nữ cận nghèo làm chủ được giúp đỡ, đạt 100%. Bằng nhiều hình thức, chị em đã giúp nhau được 191.781 ngày công lao động, 106.546 tấn gạo, ngô, thóc, 1.612 con giống các loại… trị giá trên 2 tỷ đồng.
Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là hoạt động mũi nhọn để thúc đẩy nhiều hoạt động khác của hội, hàng năm các cấp hội đã tích cực khai thác các nguồn vốn vay cho chị em phụ nữ làm kinh tế. Nắm rõ đối tượng và thực hiện tốt việc giám sát quá trình sử dụng vốn nên hầu hết các nguồn vốn đều sử dụng có mục đích, đạt hiệu quả góp phần quan trọng vào công tác xoá đói giảm nghèo.
Ngoài ra, các cơ sở Hội đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm bằng các hình thức như nuôi heo đất, ống tiền, hũ gạo tiết kiệm, duy trì 1.739 hộp tiền tiết kiệm. Vận động thành 448 tổ tiết kiệm vay vốn mức 5.000 đồng/tháng/hội viên. Đã có 16.435 thành viên, thu được trên 2 tỷ đồng cho 937 hội viên phụ nữ nghèo vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến tháng 12/2012 có 796 hộ phụ nữ nghèo được công nhận thoát nghèo.
Tiếp tục vận động hội viên phụ nữ đăng ký phong trào “phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi” từ 50 – 70 triệu đồng/năm ở vùng cao và từ 70 – 100 triệu đồng/năm ở vùng thấp. Đến nay có 5.397 hộ gia đình đăng ký thực hiện, đã có 2.905 mô hình có thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/hộ/năm; 2.245 mô hình từ 70 – 100 triệu đồng/hộ/năm và 247 mô hình trên 100 triệu đồng.
Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các chương trình dự án mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và tạo việc làm cho chị em phụ nữ. Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 1.582 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 54.402 lượt hội viên phụ nữ các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Triển khai xây dựng thí điểm 4 mô hình nuôi gà móng, 4 mô hình trồng lúa và trồng rau màu, 4 mô hình nuôi cá, 4 mô hình nuôi giun tại các xã Âu Lâu, Giới Phiên (TP Yên Bái), Minh Tiến, Kiên Thành, Bảo Hưng (Trấn Yên) và Bảo Ái (Yên Bình); phát triển mô hình nuôi lợn theo nhóm bằng men vi sinh tại huyện Văn Chấn với 871 con lợn nái.
Được hỗ trợ và vận dụng tốt nguồn vốn vay đã từng bước giúp các hộ phụ nữ nói chung và hộ phụ nữ nghèo nói riêng có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Các cấp hội đã khai thác các nguồn vốn cho chị em vay phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đã xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ khi kinh tế gia đình khá giả, chị em có điều kiện nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Với sự phấn đấu vươn lên của phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở và với sự nhạy bén, năng động sáng tạo, chị em phụ nữ Yên Bái đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần, từ đó, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Điều đáng ghi nhận là nhiều chị em đã không chỉ cải thiện được mức sống mà còn nâng cao được ý thức công dân, tăng cường trách nhiệm của bản thân và gia đình đối với cộng đồng. Nhiều chị em nghèo đã có ý thức vươn lên thoát nghèo bằng cách tự nguyện đăng ký thoát nghèo và trả sổ hộ nghèo.
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015; Tuyên truyền phát động các phong trào thi đua về giúp nhau phát triển kinh tế; Tiếp tục vận động các cấp Hội triển khai xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân và tàn tật vào trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó; Tiếp tục vận động hội viên tham gia các hình thức tiết kiệm tăng các nguồn vốn, nguồn quỹ tại cơ sở giúp phụ nữ có vốn phát triển kinh tế. Phối hợp các ngành tổ chức các lớp chuyển giao KHKT cho hội viên phụ nữu, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật phân viên nén dúi sâu để tăng năng suất lúa; Xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.