Đó là anh Lý Đình Tài, 47 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Anh Tài đã trải qua 11 năm làm công tác mặt trận ở thôn Nặm Dân, 8 năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, đồng thời kiêm nhiệm công an viên thôn, tổ trưởng tổ vay vốn. Dù ở bất kỳ cương vị nào, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được bà con dân bản tin yêu, tín nhiệm.
Đó là anh Lý Đình Tài, 47 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Anh Tài đã trải qua 11 năm làm công tác mặt trận ở thôn Nặm Dân, 8 năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, đồng thời kiêm nhiệm công an viên thôn, tổ trưởng tổ vay vốn. Dù ở bất kỳ cương vị nào, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được bà con dân bản tin yêu, tín nhiệm.
Con đường mòn từ Ủy ban nhân dân xã đến thôn Nặm Dân dài khoảng 5km nhưng rất khó đi, có đoạn phải lội suối, hai bên đường hẹp và khúc khuỷu, đá lởm chởm. Anh Tài cho biết: Có được con đường giao thông thuận tiện là ước mơ bấy lâu của dân bản. Để đi ra được thị trấn có khi mất cả ngày trời nên việc giao thương buôn bán gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần, xã cũng đã xây dựng phương án làm đường vào đây, nhưng đến nay con đường vẫn thế. May mà các chú đi vào khi trời nắng, chứ trời mưa thì không đi nổi đâu.
Thôn Nặm Dân với 14 hộ dân, 56 nhân khẩu, đa số là dân tộc Dao. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng việc cấy lúa, trồng ngô, sắn và chăn gia súc, gia cầm, nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Trăn trở với việc thoát nghèo của bà con, anh đã đi học hỏi các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao ở các nơi khác về phổ biến cho bà con, đưa các giống mới cho năng suất cao về thay thế cho giống cũ. Anh còn vận động người dân cải tạo các vườn tạp để trồng cây ăn quả, trồng rừng trên diện tích đất trống đồi trọc, mua máy cày, máy xay xát để giảm sức lao động… Nhờ đó mà thôn Nặm Dân thay đổi từng ngày, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi, cuộc sống người dân được cải thiện, trẻ em được cắp sách đến trường, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng. Những cánh rừng keo, quế, hồi, mỡ xanh bạt ngàn sau nhiều năm chăm sóc cũng đã cho thu hoạch.
Gia đình anh Tài có 4.500 m2 đất trồng lúa cùng gần 9 ha đất rừng, ngoài ra anh còn trồng thêm dong riềng, ngô, sắn để phục vụ chăn nuôi. Hàng ngày, ngoài công việc ở Ủy ban xã, anh lại cùng cậu con trai cả lên nương. Anh còn mua máy cày để phục vụ gia đình và đáp ứng nhu cầu của bà con trong thôn. Anh chia sẻ: Vợ tôi bị bệnh và mất cách đây đã gần chục năm, gia đình đã bán hết trâu bò để chữa trị bệnh, nhưng vợ tôi cũng không qua khỏi. Khi đó tôi rất suy sụp, một mình cảnh “gà trống nuôi con” vất vả, con cái thiếu sự chăm lo của người phụ nữ nên cũng thiệt thòi. Tuy nhiên, nhìn các con khôn lớn và ngoan ngoãn là tôi mãn nguyện rồi.
Mỗi tuần anh ra Ủy ban xã 4 - 5 lần để cập nhật thông tin mới, đồng thời nộp tiền lãi của bà con do anh là tổ trưởng tổ vay vốn. Khi có chủ trương, chính sách hay văn bản mới anh lại về phổ biến cho bà con biết. Ông Triệu Văn Lai - Bí thư Chi bộ thôn Nặm Dân cho biết: Ngoài công việc xã hội, anh Tài là một người cha mẫu mực, luôn chăm lo, dạy bảo các con đến nơi đến chốn. Anh Tài còn là một cán bộ thôn năng nổ, nhiệt tình. Dù ở bất cứ cương vị nào anh đều tận tâm vì công việc. Với tính tiên phong, gương mẫu của một đảng viên, lại thấm nhuần lời dạy của Bác, anh Tài luôn chấp hành mọi chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời vận động người dân trong thôn cùng làm theo. Anh luôn hòa đồng, thân thiện với mọi người và được dân bản kính trọng.
Với những nỗ lực vượt lên mọi khó khăn và những cống hiến cho xã hội, anh Tài đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì thành tích trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngôi nhà nhỏ của anh còn treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp tặng vì những đóng góp của mình.