Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Chiều 24/9, Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo. Đây là một nội dung trong chương trình giám sát tối cao về xóa đói giảm nghèo của Quốc hội.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về công tác xóa đói giảm nghèo cho thấy, nhiều năm qua, nguồn lực của Nhà nước dành cho mục tiêu giảm nghèo rất lớn, chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Việt Nam đã giảm khá nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo trong vòng 20 năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo từ 58% dân số năm 1993, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 7,8%.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng lên trước những cú sốc kinh tế…
Trong đó, đáng lưu ý là công tác điều hòa, phối hợp giữa các chương trình, chính sách liên quan đến giảm nghèo của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương chưa đồng bộ dẫn đến nguồn lực còn bị dàn trải, trùng lắp, lồng ghép chính sách đạt hiệu quả chưa cao cùng với khó khăn của nền kinh tế trong những năm gần đây đã tác động đến đầu tư và huy động nguồn lực đầy đủ cho chính sách giảm nghèo.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ làm rõ nguyên nhân những tồn tại nêu trên và trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này. Đồng thời đề ra định hướng về công tác giảm nghèo trong thời gian tới./.