"Đã từ lâu trong tư tưởng của đồng bào nghèo vùng cao, việc trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã ăn sâu bám rễ, đây cũng là " rào cản" trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo ở Trạm Tấu. Vì vậy, khơi dậy được ý thức thoát nghèo của đồng bào vùng cao cũng giống như làm một cuộc "cách mạng" tư tưởng mà muốn thành công đòi hỏi mỗi "công bộc" của dân phải nỗ lực hết mình. Không chỉ chủ trương đúng, thiết thực, phù hợp mà mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải có sự sáng tạo vận dụng, cán bộ làm việc có trách nhiệm, tâm huyết... Sau những năm tháng kiên trì với công tác tuyên truyền, vận động, Trạm Tấu đã có nhiều hơn những lá đơn tự nguyện thoát nghèo, đây là minh chứng xác thực cho quá trình thay đổi nhận thức của người dân mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Trạm Tấu đã nỗ lực rất nhiều mới đạt được ..." - Đó là những chia sẻ của đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khi nói đến công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao này.
Tìm theo địa chỉ trên lá đơn tự nguyện thoát nghèo gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Hổng ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu. Là gia đình có 6 khẩu, trước đây cuộc sống của gia đình anh Hổng gặp muôn vàn khó khăn do ít đất ruộng sản xuất, lại thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, một năm thiếu ăn từ 3 - 4 tháng nhưng cả gia đình cũng cứ bằng lòng với thực tại vì con cái đi học đã có Nhà nước hỗ trợ, thiếu đói thì đợi trợ cấp...Vậy là cái vòng đói nghèo luẩn quẩn cứ năm này qua năm khác. Sự thức tỉnh với anh chỉ đến khi cán bộ xã quyết liệt vào cuộc.
Anh Hổng chia sẻ: "Mấy năm đó, cán bộ xã đến nhà mình liên tục vận động gia đình thay đổi cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn nhà mình tìm đến nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện dành cho hộ nghèo. Vay vốn xong cán bộ lại hướng dẫn nhà mình cách làm thế nào cho hiệu quả. Từ nguồn vốn ấy, mình quay vòng mua trâu, rồi bán mua lợn, có tiền lại mua ruộng , sau 3 năm vật lộn với đồng vốn và sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ cán bộ xã, cuộc sống của gia đình mình cũng đã ổn định... Mình cũng nghĩ rồi, nghèo bây giờ cũng là một cái tội, nghèo thì không đủ điều kiện chăm sóc con cái, rồi cái gì cũng đợi hỗ trợ thì khác gì cây "tầm gửi" trên rừng. Mình nghèo cũng làm cho địa phương nghèo đi, xã hội nghèo đi.., để mọi người nhắc mãi cũng xấu hổ". Vì "giác ngộ" được cái lý ấy nên ngay từ đầu năm 2013, gia đình anh quyết tâm làm đơn tự nguyện thoát nghèo. Trong lá đơn ấy viết: "Trong những năm qua, gia đình tôi đã được hưởng một số chính sách của Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo về khoa học kỹ thuật, về cây con giống, phân bón, vốn vay... nay kinh tế gia đình tôi đã ổn định nên làm đơn xin UBND xã cho thoát nghèo vào cuối năm 2013".
Cùng với anh Hổng, còn có 26 hộ gia đình đồng bào Thái Hát Lừu tự nguyện làm đơn thoát nghèo vào hồi đầu năm 2013 và thực hiện nội dung trong lá đơn tình nguyện ấy, họ đã nỗ lực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay với quyết tâm thoát nghèo bền vững. Vì vậy, gia đình anh Hổng cũng như một số hộ khác đã xóa được cảnh thiếu đói, nay đã vào dịp gặt mùa nhưng trong gia đình anh Hổng vẫn còn 10 bao thóc vụ xuân.
Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết, qua rà soát bước đầu hầu hết các hộ gia đình tự nguyện làm đơn thoát nghèo hồi đầu năm kinh tế đã khá hơn và có khả năng thoát nghèo, hiện UBND xã đang rà soát lại lần cuối để có số liệu chính xác... Xã xác định muốn cho đồng bào thoát nghèo bền vững thì phải khơi dậy được ý thức tự thoát nghèo trong họ, vì vậy, xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", làm sao để tất cả những hộ nghèo đều có thể làm đơn tự nguyện thoát nghèo".
Để có được những lá đơn tự nguyện thoát nghèo ấy, Hát Lừu đã phải trải qua gian nan cả một quá trình vận động. Như Chủ tịch Lò Văn Chiến chia sẻ thì xã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo và việc làm của xã gồm 17 thành viên do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, thành viên là các ban, ngành liên quan và trưởng các thôn, bản. Ngay sau khi thành lập, BCĐ xã phân công địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên; ví như thôn Hát 1 do đồng chí Hoàng Văn Sáng, Lò Văn Dương đảm nhận, thôn Hát 2 do đồng chí Lường Văn Tân và Lò Văn Luyện phụ trách...
Mỗi chi bộ cũng có một đồng chí trong Ban chấp hành Đảng ủy xã phụ trách và đôn đốc việc giảm nghèo, rồi hàng tuần, hàng tháng có kế hoạch về thôn bản, về chòm dân cư ấy vận động người dân.
Chủ tịch Chiến chia sẻ: "Để dân chuyển đổi nhận thức thì cán bộ phải kiên trì. Thay đổi được họ không phải ngày một ngày hai, bởi vậy, cán bộ mà nóng tính là "xôi hỏng bỏng không", phải vừa cương quyết, khôn khéo làm sao chạm được vào cái lòng tự ái của họ mà họ không giận, thấu được cái lý, cái tình mà tự nguyện ký vào đơn thoát nghèo...".
Có lẽ bằng sự kiên trì ấy mà những năm qua, công tác giảm nghèo ở Hát Lừu luôn được đánh giá cao, Hát Lừu là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong 11 xã của Trạm Tấu cũng là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới.
Khó khăn hơn trong công tác vận động là các xã có đông đồng bào Mông sinh sống, bởi cái vòng đói nghèo luẩn quẩn do tập quán canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng của họ từ nhiều đời nay. Thêm nữa, các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo dân tộc thiểu số khá đầy đủ nên họ mặc nhiên "trời sinh voi, sinh cỏ”. Vậy nên, việc giảm nghèo ở những xã này gặp nhiều gian nan. Bài toán chỉ có lời giải khi những "công bộc" của dân thực sự vào cuộc.
Gia đình Mùa A Chu ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù có tận 10 khẩu, những năm qua gia đình cũng nhận đầy đủ sự hỗ trợ của Nhà nước từ giống, phân bón đến dầu hỏa thắp sáng rồi gạo cứu đói... thế nên anh Chu mới nói rằng: “Mình đã từng nghĩ, mình không làm Nhà nước cũng chẳng để mình chết nên mình cứ kệ. Rồi cán bộ xã đến nhà, một tháng mấy lần, không kể trời mưa hay trời nắng, các anh ấy bảo, cũng là con người, người già neo đơn không nơi nương tựa hay không có đất sản xuất đã đành..., đằng này, mình có đủ chân tay, có sức khỏe, có ruộng có nương mà không làm được cho đủ ăn đủ mặc là sao, nếu cứ sống như thế chẳng khác con rận trên lưng trâu... Mới đầu nghe cũng thấy tức nhưng nghĩ lại cũng thấy đúng, cán bộ chẳng nhờ vả gì mình mà còn lo cho mình cái ăn, cái mặc, nói tức mình cũng là muốn mình sống có trách nhiệm với bản thân và với xã hội”.
Thế rồi nghe nhiều, Mùa A Chu cũng ngộ ra rằng: Nhà nước mang đến cho mình cái "cần câu" nếu mình không nỗ lực mà tự "câu” lấy thì suốt đời này không ngẩng đầu lên được, mấy đời dòng họ lúc nào cũng trong diện hộ nghèo. Thế là đầu năm 2013, Mùa A Chu quyết định ký vào đơn tự nguyện thoát nghèo. Chu nói rằng, làm đơn rồi mà không thoát nghèo thì xấu hổ lắm nên sản xuất, gieo trồng hay chăn nuôi gia súc đều làm theo hướng dẫn cả. Năm nay, nhà Chu đã gieo cấy hết diện tích 2ha lúa, 1,5ha ruộng nương và chăm sóc 2ha chè nên lương thực trong nhà đã kha khá cộng với 2 con trâu, 2 con bò và 10 con lợn cũng cho thu nhập đáng kể, đời sống khá hơn rất nhiều so với những năm trước.
Không chỉ nhà Mùa A Chu, xã Bản Mù năm nay cũng đã có 18 hộ tự nguyện làm đơn thoát nghèo. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Sùng A Lù thì hầu hết những hộ này đều đã có khả năng thoát nghèo nên họ đã "dũng cảm" làm đơn ngay từ đầu năm. Để có thêm nhiều hộ làm đơn thoát nghèo và thực sự phấn đấu để thoát nghèo thì lộ trình tuyên truyền vận động ở xã vẫn cần có nhiều cán bộ tận tụy với công việc này hơn nữa.
Niềm vui đến với những người “đứng mũi chịu sào” ở vùng cao Trạm Tấu như được nhân đôi khi năm kế hoạch này ở 11 xã vùng cao của huyện đã có 172 lá đơn thoát nghèo của 172 hộ gia đình - con số tuy chưa lớn nhưng đã khẳng định hiệu quả của công tác tuyên truyền khơi dậy ý thức thoát nghèo trong đồng bào vùng cao, một bài toán tưởng chừng như không có lời giải...Trọng trách xóa đói giảm nghèo ở vùng cao dù vẫn còn là "gánh nặng" trên đôi vai lãnh đạo địa phương nhưng tin tưởng, bằng việc thực hiện có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước, bằng trách nhiệm của những người cán bộ gần dân, bằng những giải pháp mang tầm "chiến lược" , Trạm Tấu sẽ thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo.