Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo

12/05/2014 08:50:03 Xem cỡ chữ

CTTĐT – Chiều ngày 23/4, Bộ Lao động Thương binh &Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014-2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Yên Bái có các ngành thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh.

Trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện và hiệu quả, người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Về kết quả việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 đã có 6,8 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi đạt 103,3% kế hoạch. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai ở 218 xã thuộc 35 tỉnh với 27.566 hộ tham gia; Đầu tư 2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; 52 triệu lượt người được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở... Trong giai đoạn 2011-2012, ngân sách Nhà nước đã bố trí 22.303 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên. Hỗ trợ 12.475 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngân sách Trung ương bố trí 2.213 tỷ đồng để đào tạo nghèo cho lao động nông thôn và hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động…Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2013, cả nước đã có 621 nghìn hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, doanh số cho vay trên 11.471 tỷ đồng, dư nợ đạt 41.649 tỷ đồng; 389 nghìn hộ nghèo được vay vốn với doanh số 7.199 tỷ đồng, dư nợ 7.109 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của chương trình giảm nghèo năm 2013 là 5.031,27 tỷ đồng… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 7,8% (năm 2013)…

Tại tỉnh Yên Bái, chương trình giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Yên Bái đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2006 – 2010 đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo là 2.819 tỷ đồng, đạt 203% kế hoạch cả giai đoạn. Trong 5 năm, tổng doanh số cho vay hộ nghèo đạt trên 600 tỷ đồng, có 67.958 lượt hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất. Ngoài ra từ nguồn vốn này còn hỗ trợ cho các hộ gia đình làm nhà, xây dựng công trình nước sạch, vay sinh viên thuộc hộ nghèo… Giai đoạn 2011 – 2012, tổng nguồn lực huy động đầu tư cho Chương trình giảm nghèo của tỉnh đạt khoảng 3.574,3 tỷ đồng. Đã có 17.028 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với mức vay bình quân trên 17 triệu đồng/hộ. Có 4.259 gia đình hộ chính sách, hộ nghèo, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ làm nhà ở với tổng kinh  phí 95,428 tỷ đồng; đã hỗ trợ 387,568 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách giáo dục và đào tạo cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái triển khai có hiệu quả nhóm dự án đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, vùng nghèo; triển khai lồng ghép chương trình 135 vào mục tiêu giảm nghèo, thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách đặc thù của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2012 giảm còn 29,23% và năm 2013 giảm còn 25,38%.

Tại hội nghị, đại diện Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, đại diện Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và lãnh đạo một số tỉnh thành đã có nhiều ý kiến tham luận kiến nghị đề xuất về các giải pháp để thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong thời gian tới như: Sớm xây dựng chính thức hệ chuẩn nghèo mới, bổ sung các nguồn lực cho giảm nghèo, chú trọng đến nguồn lực chính sách tín dụng; Tăng mức vay, tăng thời gian vay và giảm lãi suất cho các hộ nghèo; quan tâm đến đất sản xuất cho hộ nghèo ở các xã vùng khó khăn…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững nêu rõ: Công tác xoá đói giảm nghèo là một nội dung quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, các Bộ, ban, ngành và các  địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Hệ thống các cơ chế, chính sách ngày càng được điều chỉnh, đồng bộ hơn. Trong quá trình triển khai thực hiện, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: về chính sách còn có nhiều văn bản, khó khăn cho khâu tổ chức thực hiện. Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao… Trong thời gian tới, xác định công tác giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững hơn. Định hướng giảm nghèo toàn diện, tập trung chính sách và nguồn lực vào các vùng có nhóm đối tượng và tỷ lệ hộ nghèo cao. Sửa đổi các chính sách giảm nghèo theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ chế chính sách phải cân đối được nguồn lực. Thiết kế chính sách theo hướng đa chiều. Các địa phương cần cụ thể hóa chính sách giảm nghèo, tiếp tục phổ biến kinh nghiệm, biểu dương các gương điển hình thoát nghèo và nhân rộng mô hình hay, hiệu quả./.

Theo CTTĐT